Giá trị xuất khẩu gạo tăng 55% nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp giảm. Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt mua hạt tiêu của Việt Nam. Giá mít, chôm chôm giảm 3 - 5 lần. Việt Nam theo dõi sát diễn biến siêu bão Mawar.
GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU GẠO TĂNG 55% NHƯNG LỢI NHUẬN CỦA DOANH NGHIỆP GIẢM
Minh Phúc khai thác
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt gần 3 triệu tấn, kim ngạch hơn 1,5 tỷ USD. Kết quả trên tăng 44% về khối lượng và 55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các nhóm sản phẩm nông sản chủ lực.
Trong số 8 doanh nghiệp ngành gạo công bố kết quả kinh doanh quý I/2023, chỉ có 3 doanh nghiệp lãi tăng, 3 doanh nghiệp lãi giảm và 2 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ.
Điển hình như Công ty cổ phần Lộc Trời, một trong những doanh nghiệp đầu ngành xuất khẩu gạo, báo lỗ gần 81 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp này có lợi nhuận dương 184 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí vốn và chi phí tài chính tăng mạnh, khiến lợi nhuận thu về bị “bào mòn”. Trong kỳ, giá vốn bán hàng tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, nên mảng gạo chỉ ghi nhận 9 tỷ đồng lãi gộp.
Cùng cảnh ngộ, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 với thông tin kém vui, khi doanh thu giảm 6%, còn lợi nhuận sau thuế giảm đến 69%, về mức 8,5 tỷ đồng. Công ty này lý giải, nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay lớn, giá vốn tăng cao.
AI CẬP VÀ THỔ NHĨ KỲ Ồ ẠT MUA HẠT TIÊU CỦA VIỆT NAM
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 4 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu gần 26,5 nghìn tấn hạt tiêu, thu về khoảng 83,5 triệu USD, tăng 7,3% về lượng nhưng giảm 26,8% về trị giá so với tháng 4 năm ngoái.
Về thị trường, xuất khẩu sang Mỹ, các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ, Đức, Anh... đều giảm mạnh. Song, xuất khẩu hạt tiêu sang Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập lại ghi nhận mức tăng trưởng đột biến.
Cụ thể, tính đến hết tháng 4, Việt Nam xuất khẩu 1.800 tấn hạt tiêu sang Ai Cập, thu về gần 5,3 triệu USD, tăng 281% về lượng và tăng 157% về giá trị; xuất khẩu sang Thổ Nghĩ Kỳ cũng tăng 168% về lượng và 89% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái
Hiện nước ta kết thúc vụ thu hoạch hạt tiêu mới với sản lượng 200 nghìn tấn, tăng 9% so với vụ thu hoạch năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng khiến doanh nghiệp gia tăng mua hàng để dự trữ ở trong kho, mặc dù nhu cầu từ thị trường Mỹ và EU vẫn chậm.
GIÁ MÍT, CHÔM CHÔM GIẢM 3-5 LẦN
Khảo sát các loại trái cây tại nhà vườn một số tỉnh miền Tây cho thấy, giá mít Thái và chôm chôm chính vụ đầu mùa đang giảm sâu.
Theo các nhà nông trồng mít Thái, loại trái cây này vào năm trước có giá rất cao, nhưng hiện nay mít loại 1 chỉ có giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, loại 2 giá 30.000 đồng/kg, loại 3 giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, giảm từ 4-5 lần so với cùng kỳ. Tương tự, giá chôm chôm cũng chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, giá chôm chôm Thái hiện nay chỉ còn 17.000 - 20.000 đồng/kg, chôm chôm Indonesia từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, chôm chôm Java từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.
VIỆT NAM THEO DÕI SÁT DIỄN BIẾN SIÊU BÃO MAWAR
Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ TN&MT cho biết, hôm nay 26/5, một siêu bão có tên quốc tế là Mawar đã vượt qua đảo Guam, đây là cơn bão thứ 2 hoạt động trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong mùa bão năm 2023. Cường độ hiện tại của bão Mawar ở cấp 17, cấp siêu bão.
Dự báo siêu bão Mawar sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, hướng tới khu vực phía Bắc đảo Lu-dông - Philippines. Cơ quan khí tượng Việt Nam đang theo dõi sát diễn biến siêu bão này.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ tháng 6 đến tháng 8/2023 có khoảng 5-6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.