Có doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mất thị phần chỉ vì chiếc khay nhựa. Giá chè xuất khẩu đạt trung bình 1.700 USD/tấn. Khuyến cáo nông dân ứng phó mưa trái mùa. Indonesia cần nhập khẩu 500.000 tấn gạo.
DOANH NGHIỆP VIỆT MẤT THỊ TRƯỜNG EU VÌ KHAY NHỰA
3 năm qua, nhờ các ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có nhiều thuận lợi để tiếp cận tốt hơn tới thị trường EU. Tuy nhiên, theo bà Tô Thị Tường Lan – Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam – VASEP, doanh nghiệp Việt vẫn chưa tận dụng hết cơ hội khi xuất khẩu sang thị trường này. Bản thân doanh nghiệp cũng chậm thay đổi để thích ứng. Đơn cử, vừa qua, có một doanh nghiệp xuất khẩu tôm bị mất thị trường vì từ chối thay đổi khay nhựa đóng gói. Ngay lập tức đã có một số nhà cung cấp đã mua sản phẩm của Thái Lan rồi thay đổi khay đóng gói và nhanh chóng xuất khẩu. Đại diện của VASEP nhận định, hiện nay, các yêu cầu về bao bì sản phẩm thủy sản liên tục thay đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Do đó, các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật yêu cầu mới và có các giải pháp thích ứng cần thiết để giữ thị trường.
XUẤT KHẨU CHÈ CHẠM MỐC 15.000 TẤN, GIÁ TRUNG BÌNH 1.700 USD/TẤN
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, xuất khẩu chè trong thời gian vừa qua có nhiều chuyển biến tích cực. Trong tháng 10, xuất khẩu chè đạt 15.000 tấn, trị giá 23 triệu USD, tăng 14,3% về lượng và 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.Lũy kế 10 tháng đầu năm, xuất khẩu chè đạt 107.000 tấn, trị giá 181 triệu USD, tăng 2,3% về lượng và 2,7% về trị giá so với cùng kỳ 2021. Trong đó, giá chè xuất khẩu bình quân trong 10 tháng đạt gần 1.700 USD một tấn, tương đương gần 42 triệu đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ.
KHUYẾN CÁO NÔNG DÂN ỨNG PHÓ MƯA TRÁI MÙA
Đài khí tượng thủy văn Đồng Nai cho biết, đến nay, lượng mưa trung bình năm 2022 tại Đồng Nai đã cao hơn những năm trước khoảng 11%. Năm 2022, mùa mưa ở tỉnh này dự báo sẽ còn kéo dài đến đầu tháng 12, sau đó là mùa khô.Trong khi đó, số liệu của Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cho thấy, hiện nay dù đã là cuối tháng 11 nhưng địa phương vẫn liên tục có mưa vừa và mưa to. Điều này khiến mực nước các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh lên cao, có nơi vượt quá dung tích thiết kế nên các hồ đang phải xả lũ để điều tiết.Để ứng phó với những diễn biến khác thường của thời tiết, tới đây Đài khí tượng thủy văn Đồng Nai sẽ phối hợp cùng ngành nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền về mưa trái mùa trong mùa khô 2022 – 2023 và các loại sâu bệnh thường xuất hiện. Khuyến cáo người dân tăng cường theo dõi thông tin diễn biến thời tiết, đồng thời chuẩn bị phương tiện, vật tư nhằm xử lý sớm sâu bệnh tại các vườn cây ăn trái.
INDONESIA CẦN NHẬP KHẨU 500.000 TẤN GẠO
Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia và hãng tin Reuters, Lượng gạo dự trữ quốc gia của Indonesia tính tới ngày 22/11 năm nay đã xuống dưới 600.000 tấn. Cơ quan Hậu cần của nước này ước tính cần khoảng 150.000 - 200.000 tấn gạo mỗi tháng để bình ổn giá thị trường. Để giải bài toán thiếu hụt nguồn dự trữ, Indonesia đặt mục tiêu nhập khẩu tới 500.000 tấn gạo vào cuối năm. Mục tiêu của nước này đưa nguồn gạo dự trữ của năm 2023 về mức 1,3 triệu tấn.Các chuyên gia nhận định, nguồn nhập khẩu dự kiến mà nước này đang xem xét đến từ các nước Châu Á như Thái Lan, Pakistan, Myanmar và Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh giá gạo tăng cao và nhu cầu lớn.