Đề xuất áp thuế GTGT với phân bón, thiết bị chuyên dùng trong nông nghiệp. Hoàng Phát Fruit cam kết chia sẻ bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1. Thận trọng khi tiêu thụ trứng 'giải cứu' không rõ nguồn gốc. Nông dân nuôi ếch lãi hơn 20.000 đồng/kg.
Đề xuất áp thuế GTGT với phân bón, thiết bị chuyên dùng trong nông nghiệp
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi nhằm mở rộng cơ sở thu thuế, nghiên cứu sửa đổi một số quy định để chống gian lận và chống thất thu thuế giá trị gia tăng, đảm bảo thu đúng thu đủ vào ngân sách Nhà nước.Trong đó, các nội dung cần nghiên cứu sửa đổi tại Luật Thuế GTGT như: Cần thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; nghiên cứu sửa đổi mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng cho phù hợp với thực tế.Các mặt hàng được đề xuất đưa vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng như: Phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích Thuế GTGT
HOÀNG PHÁT FRUIT CAM KẾT CHIA SẺ BẢN QUYỀN GIỐNG THANH LONG RUỘT ĐỎ LĐ1
Theo văn bản gửi Cục Trồng trọt, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Thuận và các doanh nghiệp, hợp tác xã thanh long ở các tỉnh thành, Hoàng Phát Fruit cam kết chia sẻ bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1.Cụ thể, đối với các thị trường xuất khẩu quả thanh long ngoại trừ Hàn Quốc và Nhật Bản và thị trường nội địa, Hoàng Phát Fruit đồng ý chia sẻ quyền với mức phí 0 đồng kể từ ngày 16/2. Đối với thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ thu phí nhưng theo từng đối tượng. Trong đó, đối với hộ nông dân, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý, cao hơn thị trường 20-30% nếu nông dân có giấy tờ chứng minh đã trồng thanh long ruột đỏ LĐ1 từ Viện Cây ăn quả miền Nam cung cấp giống để trồng khảo nghiệm, canh tác theo đúng tiêu chuẩn của thị trường Nhật và Hàn.
Thận trọng khi tiêu thụ trứng 'giải cứu' không rõ nguồn gốc
Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam vừa có Công văn gửi các doanh nghiệp, đơn vị thuộc Hiệp hội về việc phòng chống dịch cúm gia cầm.Bên cạnh việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu vào Việt Nam, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam khuyến cáo người tiêu dùng không tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, kể cả trứng gia cầm được bày bán tràn lan trên các hè phố dưới danh nghĩa “giải cứu” của các tư thương.Cùng với đó, chủ động triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh bao gồm tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong và xung quanh trại, phương tiện vận chuyển ra vào trại chăn nuôi, đặc biệt những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
Nông dân nuôi ếch lãi hơn 20.000 đồng/kg
Tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nuôi ếch đã hình thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và ếch là mặt hàng tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Nuôi nhiều nhất là ở thị trấn Mỹ An và các xã Mỹ An, Mỹ Đông và Láng Biển. Với giá bán ếch từ 53.000 - 55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi thu lãi hơn 20.000 đồng/kg. Với mục tiêu tạo ra vùng nuôi ổn định, đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, UBND huyện Tháp Mười vừa ban hành kế hoạch phát triển ngành hàng ếch của huyện đến năm 2025.Theo kế hoạch, huyện phấn đấu duy trì và phát triển đàn ếch đạt 50 triệu con/năm, với diện tích mặt nước thả nuôi trên 60 ha; có 1 - 2 công ty, doanh nghiệp sơ chế, chế biến ếch ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với người chăn nuôi; có ít nhất 2 sản phẩm từ ếch đạt 3 sao theo Chương trình OCOP.