Hơn 5 triệu chai Nam Ngư Ớt Tỏi Lý Sơn được tiêu thụ trong vòng 1 năm. Xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa. Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học giúp cải tạo đất. Xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc tăng mạnh.
Hơn 5 triệu chai Nam Ngư Ớt Tỏi Lý Sơn được tiêu thụ trong 1 năm
Trần Phi sản xuất
Ngày 17/8, tại TP.HCM đã diễn ra lễ quảng bá sản phẩm Nam Ngư Ớt Tỏi Lý Sơn, đánh dấu hơn 1 năm kể từ khi sản phẩm này ra mắt thị trường và đạt doanh số tiêu thụ hơn 5 triệu chai. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt ghi nhận và đánh giá cao việc ký kết hợp tác giữa nhãn hàng Nam Ngư thuộc Công ty Cổ phần Hàng Tiêu dùng Masan với UBND huyện Lý Sơn và các nhà cung ứng. Đồng thời cho rằng đây là bước đi quan trọng nhằm nâng tầm giá trị đặc sản tỏi Lý Sơn, tạo tiền đề duy trì và phát triển bền vững cho nghề trồng tỏi lâu đời tại huyện đảo, đồng thời mở ra cơ hội quảng bá mạnh mẽ nông sản ra thế giới.
Tại lễ quảng bá, công ty đã hỗ trợ chương trình phát triển bền vững của huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với tổng giá trị 1 tỷ đồng, nhằm mở rộng hệ thống tưới tiêu cho nông nghiệp.
Xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa
Việt Khánh – Ngọc Linh - Sx
Từ giai đoạn năm 1975, nhiều tầng lớp thanh niên Nghệ An đã cùng nhau lên đường góp sức xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng tại quê nhà, trong đó có công trình thủy lợi cống Hiệp Hòa tại huyện Đô Lương. Dù vậy bi kịch tang thương đã xảy ra vào ngày 3/1/1978, sự cố sập mái taluy đổ ập xuống địa điểm thi công làm 98 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Để tưởng nhớ những chàng trai, cô gái trong thảm kịch đó, tỉnh Nghệ An vừa thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng Bia chứng tích cống Hiệp Hòa với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Từ đó, giúp cho thân nhân, gia đình và các thế hệ mai sau có một nơi trang nghiêm để thăm viếng, tưởng niệm và ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì quê hương Xô Viết.
Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh họcgiúp cải tạo đất
Văn Vũ - Sx
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa nhiều bà con tại ĐBSCL thường để lại một lượng rơm rạ rất lớn hoặc bỏ đi. Theo các chuyên gia nông nghiệp, rơm chứa hầu hết là chất hữu cơ, nếu vùi vào đất sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất. Tuy nhiên, do việc tăng vụ, gối vụ nên không đủ thời gian để rơm phân hủy, nhiều nông dân đã chọn cách đốt rơm rạ để lấy tro bón ruộng, việc đốt rơm rạ sau thu hoạch đã và đang để lại một hệ lụy không nhỏ cho môi trường và cuộc sống của những người nông dân.
Bên cạnh đó, nếu sử dụng phân hóa học sẽ làm cho cấu tạo đất bị thay đổi, nhanh chóng mất dần độ phì nhiêu và bị chai sạn, gây ô nhiễm môi trường. Do đó, người dân có thể áp dụng phương pháp xử lý rơm rạ bằng bằng các chế phẩm sinh học, phương pháp này vừa giúp cải tạo đất mà còn bảo vệ môi trường.
Xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc tăng mạnh
Khai thác
Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc đã đạt 4.100 tỷ đồng (tương đương 164 triệu USD), tăng gần 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này đưa Hàn Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2, chỉ sau Trung Quốc, trong việc nhập khẩu rau quả của Việt Nam.
3 mặt hàng nông sản chính đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc gồm chuối, xoài và hạt mè. Trong đó, xuất khẩu chuối đạt 35,4 triệu USD, tăng gần ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu xoài và hạt mè cũng tăng lần lượt hơn 70 và 60%.