Doanh thu từ trái cây của Hoàng Anh Gia Lai tăng mạnh. Không khí lạnh đổ bộ miền Bắc. Độc đáo giàn gừa hơn 100 tuổi tại miền Tây. 200 tỷ đồng hỗ trợ phát triển cây dược liệu.
Doanh thu từ trái cây của Hoàng Anh Gia Lai tăng mạnh
Minh Phúc khai thác
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 với nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, tập đoàn nông nghiệp này ghi nhận doanh thu 1.889 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu mảng trái cây đạt 1.005 tỷ đồng, tăng tới 74% so với quý 3 năm 2022, đóng góp 53,2% tổng doanh thu. Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, điều này chủ yếu đến từ việc kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Lê Me được hợp nhất vào Hoàng Anh Gia Lai. Lê Me hiện sở hữu 5.000 ha đất trồng trái cây tại Campuchia, gồm 3.000 ha trồng xoài và chuối đã có khả năng sinh lời từ năm 2022.
Trước đây, Lê Me phát sinh khoản nợ trị giá 3.300 tỷ đồng đối với Hoàng Anh Gia Lai và khoản nợ này đã được hoán đổi toàn bộ thành cổ phần vào cuối quý 2 năm 2023. Qua đó, Hoàng Anh Gia Lai nắm giữ 98,76% cổ phần Lê Me, đưa công ty này thành công ty con của tập đoàn.
Không khí lạnh đổ bộ miền Bắc
Minh Phúc khai thác
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.
Dự báo, trên đất liền, khoảng sáng ngày 6/11, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi phía Bắc và khu Đông Bắc, trưa và chiều ngày 6/11 ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ.
Đêm 6/11, không khí lạnh ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ, phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.
Từ đêm 6/11, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời lạnh về đêm và sáng, vùng núi trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến từ 20-23 độ C, khu vực vùng núi 16-19 độ C.
200 tỷ đồng hỗ trợ phát triển cây dược liệu
Ngọc Tú sx
Tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 1.000ha cây dược liệu thuộc 190 họ thực vật, trong đó có nhiều loài quý mọc dưới tán rừng tự nhiên nhưcây ba kích, hà thủ ô, bình vôi, bảy lá một hoa, cát sâm, ích mẫu, hồi, quế. Địa phương này đang xây dựng trục sản phẩm quốc gia từ cây dược liệu trong những năm tới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Bắc Kạn sẽ hỗ trợ 200 tỷ đồng cho các mô hình, hợp tác xã. Cụ thể, tỉnh sẽ quy hoạch 210 ha vùng nguyên liệu, lựa chọn 18 loại dược liệu quý trồng dưới tán rừng, xây dựng nhà máy chế biến, phát triển khu công nghệ cao. Việc hỗ trợ sẽ tập trung trồng cây dược liệu quý theo chuỗi liên kết. Hỗ trợ bảo tồn nguồn gen, nhân giống, trồng trọt, chế biến, sản xuất.
ĐỘC ĐÁO GIÀN GỪA HƠN 100 TUỔI TẠI MIỀN TÂY
Giàn gừa thuộc địa bàn ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ, được công nhận là cây di sản Việt Nam và cũng là cây di sản đầu tiên tại ĐBSCL với tuổi đời hơn 100 tuổi.
Giàn gừa rộng khoảng 4.000m2, cao khoảng 15m, có tán lá vươn rộng, rễ đan xen chằng chịt và giăng đầy trên mặt đất.
Ông Võ Thành Giúp - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Ðiền, cho biết, giàn gừa có từ trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiện nay, Khu di tích lịch sử Giàn Gừa là địa điểm thu hút khách tham quan, du lịch khắp nơi đến chiêm ngưỡng cũng như tìm hiểu về nét đẹp văn hóa, lịch sử tại địa phương. Nơi đây đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Cần Thơ.