Đồng Tháp lần đầu tổ chức Festival tôn vinh làng hoa 300 năm tuổi. Xuất khẩu tôm chỉ tăng trưởng ở một số thị trường nhỏ. Trồng 1 tỷ cây xanh bảo vệ môi trường. 300ha bưởi, nhãn, chuối của Hà Nội được cấp mã số vùng trồng.
Đồng Tháp lần đầu tổ chức Festival tôn vinh làng hoa 300 năm tuổi
Phạm Huy khai thác
Ngày 8/12, tại làng hoa Sa Đéc, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức họp báo thông tin về Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ I năm 2023.
Festival sẽ diễn ra từ ngày 30/12/2023 đến 5/1/2024 tại thành phố Sa Đéc với chủ đề “Tình đất - Tình hoa”. Nhằm tôn vinh làng hoa hơn 300 năm tuổi, nghề trồng hoa, kiểng Sa Đéc, phát huy giá trị kinh tế các sản phẩm hoa, kiểng, ngành hàng chủ lực của Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, góp phần xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Đồng Tháp - đất sen hồng đến với du khách gần xa. Đồng thời thông qua Festival, Đồng Tháp mong muốn giới thiệu với du khách hình ảnh vùng đất sen hồng nghĩa tình, năng động, sáng tạo với những giá trị văn hóa truyền thống - một điểm đến hấp dẫn và thân thiện.
Trong khuôn khổ sự kiện này, nhiều hoạt động văn hóa, du lịch ấn tượng được tổ chức với 09 Chương trình chính và 10 Chương trình hưởng ứng như không gian sắp đặt hoa, kiểng nghệ thuật, phiên chợ hoa, kiểng,…
Xuất khẩu tôm chỉ tăng trưởng ở một số thị trường nhỏ
Phạm Huy khai thác
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xuất khẩu tôm tháng 11 đạt trên 310 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng này bị chi phối bởi cạnh tranh về giá trong bối cảnh nguồn cung thế giới dư thừa, giá bán hạ. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều thấp hơn so với cùng kỳ, trừ một vài thị trường nhỏ. Các thị trường xuất khẩu tôm của Việt Nam đứng đầu là Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… Theo đánh giá của VASEP, lạm phát đang giảm ở tất cả các nước lớn ở châu Âu, tuy nhiên nhu cầu vẫn yếu. Nhu cầu tôm ở Đông Nam Á và Viễn Đông dự kiến sẽ cải thiện vào cuối năm do lễ Giáng sinh, Tết Nguyên đán.
Trồng 1 tỷ cây xanh bảo vệ môi trường
Chiều ngày 8/12, tại thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai, Đoàn Thanh niên của Bộ NN-PTNT phối hợp với Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông Nghiệp) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức về trồng 1 tỷ cây xanh và các chương trình, đề án trọng điểm ngành Lâm nghiệp.
Phát biểu tại sự kiện, Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Hồng Sơn nhấn mạnh, thực hiện chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Sự kiện trên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, người dân trong công tác phát triển rừng và trồng cây xanh, nâng cao chất lượng hệ sinh thái rừng, phát huy được vai trò của rừng và cây xanh đối với phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
300 ha bưởi, nhãn, chuối của Hà Nội được cấp mã số vùng trồng
Minh Phúc khai thác
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP thực hiện các tiêu chuẩn về điều kiện canh tác để được cấp mã số vùng trồng.
Đến nay, TP Hà Nội đã được cấp và duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 300 ha, trong đó 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 3 mã số cấp cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cấp cho vùng trồng bưởi diễn phục vụ cho xuất khẩu.
Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp nâng cao giá trị của nhiều loại cây trồng, tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn có tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn