Hàng nghìn ha canh tác ở phía Bắc có nguy cơ bị hạn. WOAH khuyến nghị các quốc gia tăng cường khống chế dịch cúm gia cầm. Bình Phước hỗ trợ vực dậy ngành điều. Giá cá diêu hồng, lóc tăng 20 - 30%.
HÀNG NGHÌN HA CANH TÁC Ở PHÍA BẮC CÓ NGUY CƠ BỊ HẠN
Theo thông tin từ Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều tuần nay, các tỉnh, thành phố miền Bắc không xuất hiện mưa lớn. Dung tích trữ của các hồ thủy lợi bị giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, có hơn 1.100ha sản xuất nông nghiệp của các tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ hạn hán. Trong đó, tỉnh Cao Bằng là 375ha, tỉnh Lạng Sơn 584ha, tỉnh Lào Cai 138ha hạn. Còn tại Hà Nội, tính đến ngày 19/5, tổng dung tích trữ các hồ chứa trên địa bàn thành phố chỉ đạt khoảng 25% dung tích thiết kế. Nếu nắng nóng kéo dài,hạn, thời tiết không mưa trong những ngày tới, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất, nhất là gieo cấy lúa vụ mùa sắp tới, đang hiện hữu.
WOAH KHUYẾN NGHỊ CÁC QUỐC GIA TĂNG CƯỜNG KHỐNG CHẾ DỊCH CÚM GIA CẦM
Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) khuyến nghị các Chính phủ cân nhắc tiêm vacxin phòng bệnh cúm gia cầm cho gia cầm để ngăn chặn virus lây lan và bùng phát thành đại dịch. Mức độ nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm hiện nay cùng với những thiệt hại về kinh tế do dịch gây ra đã buộc các chính phủ phải xem xét việc tiêm phòng cho gia cầm. Tuy nhiên, một số nước vẫn còn lưỡng lự do lo ngại yêu cầu tiêm cúm gia cầm sẽ tạo ra rào cản đối với hoạt động thương mại. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters mới đây, Tổng Giám đốc WOAH Monique Eloit cho rằng hiện hầu hết các quốc gia thực hiện thương mại quốc tế đều bị ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm. Bà cho biết tiêm phòng nên tập trung vào các loài gia cầm nuôi thả, chẳng hạn như vịt, vì cúm gia cầm lây truyền từ các loài chim hoang dã di cư. Việc tiêu hủy gia cầm nhiễm cúm một cách có hệ thống vẫn là công cụ chính để kiểm soát dịch bệnh.
BÌNH PHƯỚC HỖ TRỢ VỰC DẬY NGÀNH ĐIỀU
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, địa phương hiện có khoảng 150 nghìn ha điều, với sản lượng đạt khoảng 170 ngàn tấn hạt/ năm. Tuy nhiên, sản lượng điều Bình Phước mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Năng suất bình quân cây điều của tỉnh chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, chưa đạt mục tiêu đề ra. Bình Phước đã triển khai 17 đề án khuyến công, hỗ trợ 61 cơ sở công nghiệp nông thôn với kinh phí hơn 96,6 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 35.000ha điều tái canh, trồng mới với giống có năng suất đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên. Để ngành điều phát triển tương xứng tiềm năng, thời gian tới, Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sản xuất, chú trọng hình thành vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời sắp xếp lại các doanh nghiệp chế biến điều theo hướng quy mô lớn, có thiết bị, công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
GIÁ CÁ DIÊU HỒNG, LÓC TĂNG 20-30%
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh tại ĐBSCL như: An Giang, Tiền Giang, 4 tháng đầu năm, sản lượng cá nuôi của nông dân ít hơn so với cùng kỳ. Nhiều hộ nuôi cá lóc, điêu hồng thu hẹp diện tích, một số hộ đang dự định chuyển sang nuôi cá mú, cá bớp do đó nguồn cung ra thị trường giảm, đẩy giá cá điêu hồng, lóc, hú, đồng loạt tăng giá 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái.Từ cuối tháng 4 đến nay, giá cá điêu hồng thương phẩm liên tục đi lên. Theo đó, thương lái thu mua loại này tại ao với mức 40.000-48.000 một kg, tăng 7.000-10.000 đồng (khoảng 33%) so với cùng kỳ năm ngoái.Tương tự, giá cá lóc tại các cơ sở nuôi cũng đồng loạt tăng 20%, lên lần lượt 38.000-70.000 đồng một kg.