EC lùi lịch kiểm tra về chống khai thác IUU tại Việt Nam. Hơn 700 mã số vùng trồng bị thu hồi. Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 40 tỷ USD. ACIAR giúp hàng trăm nông hộ thiết lập chuỗi giá trị cà phê, hồ tiêu.
EC LÙI LỊCH KIỂM TRA VỀ CHỐNG KHAI THÁC IUU TẠI VIỆT NAM
Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo lịch thì cuối tháng 5 này, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ tư về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, mới đây, đoàn đã có thông báo sẽ sang Việt Nam kiểm tra vào tháng 10-2023. Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai bốn nhóm khuyến nghị của EC để chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; thực thi pháp luật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức các đoàn công tác kiểm tra thực tế tình hình và hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp chống khai thác IUU, khắc phục khuyến nghị của EC tại địa phương như Thanh Hóa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Nam Định, Thái Bình, Phú Yên, Bình Định. Sau khi kiểm tra, các địa phương đã tích cực chỉ đạo, tổ chức triển khai các giải pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.
HƠN 700 MÃ SỐ VÙNG TRỒNG BỊ THU HỒI
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn quốc có hơn 6.400 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và trên 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Đánh giá về việc xây dựng mã số vùng trồng, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, thời gian đầu Tiền Giang là địa phương có số lượng mã số vùng trồng được cấp nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện tại Đồng Tháp là địa phương thực hiện rất tốt và có lượng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói tăng nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh việc nhiều mã số được cấp mới ở một số địa phương thì số lượng mã số vùng trồng bị thu hồi cũng đang gây lo ngại. Theo đó, đã có hơn 700 mã số vùng trồng bị thu hồi chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng…; phần lớn là các mã số vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc do không đáp ứng yêu cầu về chất lượng kỹ thuật.
KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU GIẢM 40 TỶ USD
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 5, xuất khẩu của cả nước đạt 11,5 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 12,5 tỷ USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 230,5 tỷ USD, giảm xấp xỉ 40 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022 và năm 2021. Nhìn chung các nhóm hàng xuất nhập khẩu chủ lực như: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; cao su, điều… đều giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái. Để đạt được quy mô tương đương năm ngoái, tương đương hơn 730 tỷ USD, trong thời gian còn lại của năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu phải đạt khoảng 500 tỷ USD, tương đương bình quân gần 67 tỷ USD/tháng, đây là mục tiêu đầy thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.
ACIAR GIÚP HÀNG TRĂM NÔNG HỘ THIẾT LẬP CHUỖI GIÁ TRỊ CÀ PHÊ, HỒ TIÊU
Chiều 21/5, trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Australia và 30 năm Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) hoạt động tại Việt Nam, ACIAR đã gặp gỡ đối tác ở tỉnh Đắk Lắk. Tại địa phương này, ACIAR phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai dự án “Tăng cường tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của các hệ thống canh tác và chuỗi giá trị cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên”. Theo tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, dự án đã thực hiện nghiên cứu về nhu cầu nước tưới cho cây cà phê sử dụng công nghệ đo Sap-flow; thí nghiệm về đo lường rửa trôi dinh dưỡng trong canh tác cà phê và hồ tiêu; thử nghiệm về phục hồi đất bằng việc sử dụng vôi và than sinh học trong canh tác cà phê và hồ tiêu… Dự án đã góp phần cải thiện tính bền vững của hệ thống canh tác và chuỗi giá trị cà phê và hồ tiêu, với 240 nông hộ ở huyện Krông Năng tham gia. Sau thời gian triển khai, dự án cho thấy lợi nhuận tăng cao và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cao hơn trước.