Hơn 1.000 ha mía đang phải 'đắp chiếu'. Phát triển ngành hàng sen bền vững. Xuất khẩu cà phê thu về hơn 3 tỷ USD trong 11 tháng. Việt Nam lần thứ 4 trở thành điểm đến di sản hàng đầu thế giới.
HƠN 1.000 HA MÍA ĐANG PHẢI ‘ĐẮP CHIẾU’
Văn Vũ - Sản xuất
Trước đây, toàn vùng ĐBSCL có 10 nhà máy đường hoạt động, đến năm 2022, chỉ còn 3 nhà máy ở Trà Vinh, Hậu Giang và Sóc Trăng. Trong đó, nhà máy đường Phụng Hiệp đặt tại Hậu Giang là nhà máy lớn nhất tại khu vực miền Tây với công suất 2.500 tấn mỗi ngày. Tuy nhiên, trong niên vụ mía 2023-2024 cơ sở này đã tạm ngừng hoạt động khiến cho 2 nhà máy còn lại dù hoạt động hết công suất cũng không giải quyết hết nguồn nguyên liệu.
Theo ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, người dân trồng mía đang không thể thu hoạch mía do không có cơ sở thu mua. Điều này khiến giá mía giảm nhiều so với đầu vụ. Năm 2023, diện tích trồng mía toàn huyện Phụng Hiệp là 3.100 ha, nhưng hiện mới thu hoạch được hơn 2.000ha. Với tình hình hiện tại nếu nhà máy đường không hoạt động trở lại thì giá mía có thể tiếp tục giảm đến cuối vụ.
PHÁT TRIỂN NGÀNH HÀNG SEN BỀN VỮNG
Hiện, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp có tổng diện tích trồng sen hơn 490 ha, tăng trên 100 ha so với cùng kỳ năm 2022. Thời gian qua, địa phương này đã chú trọng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chế biến từ cây sen với các sản phẩm như: trà hoa sen, trà lá sen, trà tim sen... Đến nay, toàn huyện có 25 sản phẩm từ sen đạt tiêu chuẩn OCOP, 13 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao và 12 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.
Theo đại diện UBND huyện Tháp Mười, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến các hộ nông dân sản xuất. Phổ biến những tiềm năng, lợi thế, giá trị đặc thù của ngành hàng sen, tạo sự đồng thuận và thông suốt trong cả hệ thống chính trị và nông dân. Đồng thời, huyện Tháp Mười sẽ triển khai Kế hoạch phát triển ngành hàng sen đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn huyện đạt 1.000ha. Phấn đấu hình thành tổ chức đại diện nông dân là hợp tác xã nhằm tổ chức sản xuất lớn gắn với việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sen được thuận lợi và hiệu quả hơn...
XUẤT KHẨU CÀ PHÊ THU VỀ HƠN 3 TỶ USD TRONG 11 THÁNG
Khai thác
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11/2023 đạt 80.000 tấn, trị giá 252 triệu USD, tăng 83,0% về lượng và tăng 59,9% về trị giá so với tháng 10/2023.
Tính chung 11 tháng, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, trị giá 3,54 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 11 tháng, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 2.570 USD/tấn, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Robusta của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống giảm, nhưng xuất khẩu sang Mexico, Hà Lan, Indonesia… tăng mạnh. Còn với cà phê Arabica, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Bỉ, Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan…
VIỆT NAM LẦN THỨ 4 TRỞ THÀNH ĐIỂM ĐẾN DI SẢN HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI
Khai thác
Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới" tại giải thưởng Du lịch Thế giới tại Dubai.
Danh hiệu này một lần nữa khẳng định tiềm năng và sức hút hàng đầu về tài nguyên thiên nhiên cũng như giá trị di sản văn hóa lâu đời của Việt Nam. Bên cạnh đó, các địa phương cũng được trao các giải thưởng phụ như Hà Nội là "Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu Thế giới 2023". Đảo ngọc Phú Quốc là "Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023". "Viên ngọc xanh" ở Tây Bắc Mộc Châu là "Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023". Hà Nam là "Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023". Tam Đảo là "Điểm đến thị trấn hàng đầu thế giới 2023".