Hợp tác xã xuất khẩu 20 tấn cá thát lát sang thị trường Mỹ. Đưa nước mắm, ẩm thực đặc trưng vùng miền đi xa qua đường ngoại giao. Trồng dưa lưới nhà kính, nông dân thu 500 triệu đồng/năm. Tỉnh Quảng Nam hỗ trợ người dân xây dựng công trình trú bão. Trà Ôn diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Hợp tác xã xuất khẩu 20 tấn cá thát lát sang thị trường Mỹ
Văn Vũ sx
Hợp tác xã Kỳ Như (xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) vừa xuất lô hàng sản phẩm cá thát lát đi Mỹ với trọng lượng 20 tấn. Lô sản phẩm gồm: Cá thát lát nguyên con và chả cá thát lát. Đây là chuyến hàng thứ hai đi nước ngoài trong năm 2023 của Hợp tác xã và có sản lượng nhiều gấp đôi đợt đầu tiên đi Lào.
Bà Nguyễn Kim Thùy – Giám đốc HTX Như Kỳ cho biết, sản phẩm cá thát lát đi Mỹ phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn cao hơn thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, EU. Xác định xây dựng thương hiệu đưa cá thát lát Hậu Giang đi thị trường ngoài nước nên từ lúc mới thành lập, Hợp tác xã đã nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã hiện có 3ha nuôi cá thát lát và vùng nguyên liệu liên kết gồm 26 thành viên, với tổng diện tích khoảng 12ha. Nhờ đó, luôn chủ động số lượng và kiểm soát được chất lượng nguồn cá thát lát đầu vào. Trong năm Hợp tác xã Kỳ Như hiện có 10 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 1 sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng ĐBSCL. Trong đó, riêng con cá thát lát đã có 10 sản phẩm.
Đưa nước mắm, ẩm thực đặc trưng vùng miền đi xa qua đường ngoại giao
Thảo Phương sx
Sáng 27/10, “Tuần lễ giới thiệu nước mắm, mắm truyền thống và văn hóa ầm thực đặc trưng vùng miền” diễn ra tại Hà Nội, với hơn 40 đơn vị ở các tỉnh đăng ký tham gia như: Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Phú Yên, Bạc Liêu, Ninh Bình. Trong đó, 16 đơn vị thuộc thành viên Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến – Trưởng ban tổ chức sự kiện, “Tuần lễ giới thiệu, kết nối ẩm thực nông sản Việt Nam gắn với hệ thống cơ quan ngoại giao, tham tán nước ngoài ở Việt Nam” là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023.
Chương trình đã quảng bá, tuyên truyền các thông điệp về lịch sử, câu chuyện sản phẩm, chuỗi quy trình sản xuất các sản phẩm nước mắm, các phẩm nước mắm, ẩm thực từ nước mắm Việt Nam đến người tiêu dùng, từ đó góp phần thúc đẩy thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm nước mắm truyền thống và ẩm thực từ nước mắm.
Trồng dưa lưới trong nhà nông dân thu về 500 triệu đồng một năm
Hùng Khang sx
Nếu như trước đây diện tích đất này được sản xuất theo hướng truyền thống, hiệu quả thấp, thì 3 năm trở lại đây chị Văn Thị Yến ở thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao với mô hình trồng dưa lưới trong nhà.
Với diện tích gần 5.000m2 dưa lưới, mỗi vụ sẽ cho thu hoạch khoảng 20 tấn với giá bán trung bình từ 45 đến 50.000 đồng/kilogam, lợi nhuận thu về khoảng 500 triệu đồng một năm.
Mô hình không những cung ứng được nguồn thực phẩm sạch cho người dân địa phương và vùng lân cận, mà còn tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương với mức thu nhập khoảng 6 – 7 triệu đồng/ tháng.
Thành công của mô hình đã mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp, mang đến thu nhập cao, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Tỉnh Quảng Nam hỗ trợ người dân xây dựng công trình trú bão
Lê Khánh sx
Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trước thiên tai, tỉnh Quảng Nam đã ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân xây các phòng, chòi trú bão. Những đối tượng được hỗ trợ là các hộ gia đình có mức sống trung bình được pháp luật quy định, hộ nằm trong vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ nhưng chưa có nhà ở kiên cố; với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, các huyện, thành phố bố trí thêm ngân sách, vận động các nguồn hỗ trợ cho nhân dân cùng nhau xây dựng nơi ở an toàn.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Nam dự kiến bố trí 100 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân xây dựng 10.000 chòi, phòng trú bão. Theo sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, năm 2023, tỉnh này đã phân bổ 35 tỷ đồng cho các địa phương triển khai xây dựng gác, phòng để tránh bão, lũ cho gần 3.500 hộ. Đến nay, các địa phương đã thực hiện xây dựng 650 phòng, chòi ở để trú tránh an toàn. Tùy từng vùng, điều kiện khác nhau, các phòng, chòi trú bão lưỡng dụng, kết hợp công trình phụ trợ, phù hợp với điều kiện kinh tế, đời sống của mỗi gia đình.
Trà Ôn diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Trà Ôn tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023.
Tình huống đặt ra là một cơn bão dự báo di chuyển vào đất liền qua địa phận các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh. Kết hợp với kỳ triều cường Rằm tháng 9 âm lịch nên diễn biến tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, trong đó có địa bàn huyện Trà Ôn dự báo sẽ phức tạp.
Cuộc diễn tập bao gồm 2 phần chính là vận hành cơ chế và thực hành xử trí tình huống. Trong đó có các cuộc họp hội ý thường trực Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn, hợp Ban thường vụ huyện ủy, UBND huyện bàn kế hoạch ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai do bão kết hợp triều cường.
Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long khẳng định diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là một trong những giải pháp phi công trình mà tỉnh đã duy trì nhiều năm qua, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về thiên tai và quản lý rủi ro do thiên tai gây ra.