Không để hình ảnh, vị thế quốc gia bị ảnh hưởng vì IUU. Vụ đông 2022 ưu tiên giống lúa năng suất cao phục vụ xuất khẩu. Phát triển chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc. 28 nước chia sẻ kinh nghiệm sản xuất rừng và trang trại.
KHÔNG ĐỂ HÌNH ẢNH, VỊ THẾ QUỐC GIA BỊ ẢNH HƯỞNG VÌ IUU
Phát biểu tại cuộc họp chuẩn bị Kế hoạch hoạt động trong tháng cao điểm về IUU sáng 22/09 với các đơn vị liên quan của Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, trong 4 khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu - EC về chống khai thác bất hợp pháp IUU, hiện chúng ta mới làm tốt ở khâu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý.
Các khâu quan trọng còn lại như: chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; quản lý đội tàu và truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều điểm hạn chế, cần khắc phục triệt để trong thời gian sớm.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu, nếu cảng cá, tàu cá hay doanh nghiệp nào vi phạm trong tháng cao điểm chống IUU sắp tới, cơ quan quản lý phải lập tức nêu tên, chỉ rõ sai phạm. Không thể để một vài cá nhân, tổ chức làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân và càng không để vị thế, hình ảnh quốc gia bị ảnh hưởng bởi IUU.
VỤ ĐÔNG 2022 ƯU TIÊN GIỐNG LÚA NĂNG SUẤT CAO PHỤC VỤ XUẤT KHẨU
Sáng nay, tại TP Cần Thơ, Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022 – 2023 vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, diện tích gieo trồng năm nay tại vùng ĐBSCL đạt gần 3,9 triệu ha, năng suất bình quân là 6,2 tấn/ha, sản lượng ước đạt trên 24 nghìn tấn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhận định, lấy kinh nghiệm trong các năm vừa qua khi Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện thành công các mùa vụ sản xuất lúa. Nên vụ đông xuân 2022 – 2023 tới, bà con nông dân cần xuống giống sớm, nhất là phần diện tích trên 400ha ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL để tránh hạn mặn có thể xảy ra. Cơ cấu giống lúa cũng cần lựa chọn phù hợp, ưu tiên giống cho năng suất cao, phục vụ chế biến xuất khẩu, đồng thời cân đối hài hòa tỷ lệ giữa nhóm giống lúa đặc sản, lúa thơm trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng.
PHÁT TRIỂN CHUỖI GIÁ TRỊ CÂY TRỒNG AN TOÀN TẠI CÁC TỈNH PHÍA BẮC
Ngày 22/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA tổ chức hội thảo chia sẻ kiến thức Dự án “Tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam”.
Hội thảo hướng đến việc xác định thách thức và bài học kinh nghiệm nhằm tăng cường xây dựng chuỗi giá trị cây trồng an toàn theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Dự án đã lựa chọn phát triển chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm đối với rau quả tại các địa phương.
Với sự tham gia của 7 tỉnh miền Bắc cùng với bài học kinh nghiệm của JICA, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kỳ vọng Dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp người sản xuất thông qua mô hình các HTX để phát triển chuỗi giá trị đến tận các thị trường.
28 NƯỚC CHIA SẺ KINH NGHIỆM SẢN XUẤT RỪNG VÀ TRANG TRẠI
Sáng 22/9, chương trình hỗ trợ rừng và trang trại - FFF và các đối tác phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức “Hội thảo Quốc tế chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức sản xuất rừng và trang trại”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu vẫn là một trong những thách thức lớn tác động đến sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Hội thảo quy tụ gần 200 đại biểu đến từ Việt Nam và 27 quốc gia, đại diện cho các tổ chức nông dân sản xuất rừng và trang trại, các tổ chức quốc tế. Các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các sáng kiến nhằm giúp các tổ chức, cá nhân sản xuất rừng và trang trại hoạt động hiệu quả, công bằng và thích ứng với biến đổi khí hậu, liên kết với chuỗi giá trị rừng và trang trại.