Kiểm ngư Việt Nam tạo dựng môi trường pháp lý an toàn trên biển. Xây dựng homestay lấn chiếm hồ thủy lợi Đồng Nhập. Hà Nội lập 4 đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm. Hủy hoại đất bị xử phạt cao nhất 200 triệu đồng.
Sáng nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dự và chỉ đạo Hội nghị Kiểm ngư Việt Nam 10 năm đồng hành cùng ngư dân, thực thi pháp luật và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, chống khai thác IUU vì một ngành thuỷ sản xanh và phát triển bền vững.
Từ khi được thành lập vào năm 2014 đến nay, lực lượng kiểm ngư đã thực hiện hơn 400 lượt tàu tuần tra; quan sát 65.000 lượt tàu; kiểm tra hơn 10.000 lượt tàu. Giai đoạn 2014-2023, đã xử phạt hoặc chuyển các cấp chính quyền xử phạt vi phạm hành chính hơn 11.000 lượt tàu; lập biên bản cảnh cáo và xua đuổi, phóng thích nhiều lượt tàu cá nước ngoài ra khỏi vùng biển Việt Nam. Công tác thực thi pháp luật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống khai thác IUU cũng được lực lượng kiểm ngư tập trung thực hiện trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, lực lượng cũng đã hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn hàng trăm tàu cá gặp nạn, cứu vớt hàng nghìn ngư dân trên biển.
Thứ trưởng Phùng Đức nhấn mạnh, từ khi thành lập đến nay, đơn vị đã có những cố gắng rất lớn, cùng với các lực lượng trên biển tạo dựng được môi trường pháp lý an toàn, đảm bảo sản lượng khai thác, cùng chung tay tháo gỡ thẻ vàng IUU. Cùng với đó, Kiểm ngư Việt Nam cũng đã góp công không nhỏ trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Xây dựng homestay lấn chiếm hồ thủy lợi Đồng Nhập
Đức Chung sx
Thời gian qua, tại phần đất phía Đông Nam của lòng hồ Đồng Nhập, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc liên tục xảy ra tình trạng lấn chiếm, san lấp đất trái phép, xây dựng các công trình kiên cố để sử dụng với mục đích kinh doanh. Diện tích lấn chiếm ra lòng hồ với diện tích gần 400m2, xây dựng nhà hàng, homestay nghỉ dưỡng. Trong quá trình xây dựng, mặc dù đã có các văn bản của cơ quan chức năng yêu cầu trả lại hiện trạng, nhưng điều lạ là các công trình này vẫn được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Mặc dù UBND huyện Tam Đảo có 3 văn bản chỉ đạo tháo dỡ toàn bộ các công trình lấn chiếm và trả lại nguyên trạng lòng hồ nhưng đến nay việc xử lý, giải quyết dứt điểm vi phạm rất chậm chạp.
Hồ thủy lợi Đồng Nhập, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là hồ thủy lợi quan trọng, cung cấp nước tưới tiêu cho gần 1.000 hecta diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện Tam Đảo, công trình thuộc danh mục do UBND tỉnh Vĩnh Phúc quản lý giao cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Tam Đảo quản lý, khai thác, bảo vệ .
Hà Nội lập 4 đoàn kiểm tra công tác an toàn thực phẩm
Thảo Phương khai thác
Từ ngày hôm nay, UBND TP. Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm toàn thành phố, hưởng ứng 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm' năm 2024.
UBND Thành phố giao Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phụ trách 4 đoàn kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Đoàn sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt chú trọng nguồn gốc và chất lượng sản phẩm thực phẩm, nông sản thực phẩm.
Bên cạnh đó, xử lý, kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Tổng hợp kết quả kiểm tra, các đề xuất, kiến nghị báo cáo về Sở Y tế.
Hủy hoại đất bị xử phạt cao nhất 200 triệu đồng
Thảo Phương khai thác
Theo điều 18 dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất về hành vi hủy hoại đất, cụ thể hành vi làm biến dạng địa hình có thể bị xử phạt ở mức cao nhất là 200 triệu đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 15-40 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
Phạt tiền từ 40-80 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta; Phạt tiền từ 80-200 triệu đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.
Người bị xử phạt buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Với trường hợp gây ô nhiễm môi trường đất thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. UBND tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế để xác định mức độ khôi phục của từng trường hợp cụ thể theo quy định.