| Hotline: 0983.970.780

Hiến hơn 41.000m2 đất làm kè chống sạt lở, bảo vệ thôn làng

Thứ Ba 16/07/2024 , 08:00 (GMT+7)

Kon Tum Hơn 41.000m2 đất và tài sản trên đất được người dân hiến làm kè chống sạt lở bờ sông Đăk Snghé, bảo vệ khu dân cư, trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum).

Những hạng mục đầu tiên đã triển khai xây dựng kè chống sạt lở sông Đăk Snghé. Ảnh: Tuấn Anh.

Những hạng mục đầu tiên đã triển khai xây dựng kè chống sạt lở sông Đăk Snghé. Ảnh: Tuấn Anh.

Báo Nông nghiệp Việt Nam từng nhiều lần phản ánh người dân huyện Kon Rẫy mong ước xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Đăk Snghé (đoạn qua 2 xã Tân Lập và Đăk Ruồng) để bảo vệ khu dân cư, trung tâm hành chính huyện. Dù đã có chủ trương đầu tư từ 12 năm trước nhưng dự án kè chống sạt lở bờ sông Đăk Snghé chưa thể triển khai vì không có kinh phí.

Mong mỏi của người dân đã trở thành hiện thực khi mới đây UBND tỉnh Kon Tum công bố tình huống khẩn cấp, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum lập thủ tục đầu tư xây dựng các hạng mục: Kè chống sạt lở bờ sông Đăk Snghé, mố cầu Kon Brai, tuyến đường giao thông nối từ Quốc lộ 24 vào làng Kon Skôi. Kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục này khoảng 130 tỷ đồng. Hiện dự án đang bắt đầu triển khai, dự kiến hoàn thành trong cuối năm 2024. Riêng việc xây dựng bờ kè đã mang đến rất nhiều niềm vui cho người dân, giúp bảo vệ thôn  dọc sông Đăk Snghé và phát triển kinh tế đêm dần thành hiện thực.

Điều đáng nói, để thúc đẩy dự án sớm triển khai, rất nhiều hộ dân đã tự nguyện hiết đất, tài sản giá trị trên đất. Theo ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, dự án xây dựng sẽ ảnh hưởng 41.000 m2 đất và tài sản gắn liền với đất của 21 hộ dân. Tuy nhiên, dự án không có kinh phí để đền bù giải phóng mặt bằng. Xác định công trình có ý nghĩa quan trọng với địa phương và mang tính cấp bách, UBND huyện đã vận động người dân hiến đất để xây dựng kè. Huyện đã cử tổ công tác xuống làm việc với dân, nêu rõ ý nghĩa dự án, đồng thời bày tỏ mong muốn dân cùng chung tay hiến đất để dự án triển khai nhanh, sớm phát huy hiệu quả.

Hộ gia đình chị Y Cam và bà Y Xe hiến đất làm kè. Ảnh: Tuấn Anh.

Hộ gia đình chị Y Cam và bà Y Xe hiến đất làm kè. Ảnh: Tuấn Anh.

Kết quả, sau khoảng 10 ngày vận động, 21 hộ đồng ý hiến 41.000m2 đất và tài sản trên đất với giá trị trên 1 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đã bàn giao 40.000m2 đất cho chủ đầu tư, số còn lại sẽ tiếp tục bàn giao trong thời gian tới.

Hiến 450m2 đất của gia đình, chị Y Cam (thôn Kon Skôi, xã Đăk Ruồng) cho biết: “Trước kia, 2 bên bờ sông Đăk Sngé sạt lở, làm trôi đất sản xuất, cuộc sống người dân bất an. Khi nghe có dự án làm kè chống sạt lở, gia đình vừa mừng, vừa lo. Mừng vì kè sẽ giải quyết nỗi lo sạt lở mưa bão, còn lo là đất đai của gia đình sản xuất dọc sông sẽ thu hồi để làm dự án. Chính quyền xuống vận động, mình thấy tiếc vì đất có giá trị, đủ mua được bò, heo. Tuy nhiên, việc hiến đất sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng”.

Việc xây dựng kè sẽ giúp người dân yên tâm hơn để an cư, phát triển kinh tế. Ảnh: Tuấn Anh.

Việc xây dựng kè sẽ giúp người dân yên tâm hơn để an cư, phát triển kinh tế. Ảnh: Tuấn Anh.

Sẽ khen thưởng 21 hộ dân hiến đất

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho biết, việc 21 hộ dân tham gia hiến đất, tài sản trên đất là việc làm thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Việc tự nguyện hiến đất với giá trị lớn, cũng chứng tỏ việc đầu tư xây dựng kè được người dân đồng thuận tuyệt đối. Để tuyên dương và ghi nhận sự đóng góp của 21 hộ, huyện sẽ tổ chức khen thưởng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.