Long An xây dựng và phát triển thương hiệu yến. Lưu vực sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức. Bưởi Việt Nam chính thức đặt chân vào thị trường Hàn Quốc. Giá hồ tiêu cao nhất 147.000 đồng/kg.
Long An xây dựng và phát triển thương hiệu yến
Văn Vũ – Sx
Hiện, Long An có gần 1.200 nhà yến, tăng khoảng 650 nhà so với năm 2020. Tỉnh cũng đã ban hành danh sách vùng có đủ tiêu chuẩn để nuôi yến, trên cơ sở quy định vùng nuôi và đặc tính của loài chim yến tiếp tục định hướng các tiểu vùng đáp ứng được điều kiện để phát triển ngành yến gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương và các quy định pháp luật chuyên ngành về đầu tư, xây dựng và môi trường.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đang phối hợp các ngành liên quan để quản lý về cấp phép xây dựng nhà yến. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tổ yến; khuyến khích thành lập Hội nuôi yến, tham gia Hiệp hội yến sào, tham gia xây dựng sản phẩm OCOP,… Qua đó, thúc đẩy nghề nuôi yến phát triển đúng với tiềm năng, lợi thế.
Lưu vực sông Cửu Long đang đối mặt với nhiều thách thức
Minh Sáng – Sx
Nhằm hoàn thiện việc lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam phối hợp với Hội khoa học kỹ thuật thuỷ lợi Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý có nhiều kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm với vùng ĐBSCL để cập nhật thông tin phù hợp nhất với thực tế của địa phương giúp cho Viện hoàn thiện quy hoạch.
Tại hội thảo, ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho biết, lưu vực sông Cửu Long nằm ở hạ lưu lưu vực sông MeKong có tổng diện tích tự nhiên khoảng 39.400 km2, gồm 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Hiện, lưu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, nhất là tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, việc lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long là rất cần thiết để giúp cho việc phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL tốt hơn.
Bưởi Việt Nam chính thức đặt chân vào thị trường Hàn Quốc
Khai thác
Sau thanh long và xoài, bưởi là quả tươi thứ 3 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc. Theo Cục BVTV, đây là bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế. Đồng thời, khẳng định chất lượng và uy tín của nông sản Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với thị trường 50 triệu dân, Hàn Quốc là thị trường rất tiềm năng cho bưởi Việt Nam - một trong 14 nhóm trái cây chủ lực theo đề án phát triển cây ăn quả mà Bộ NN-PTNT định hướng.
Cả nước hiện có hơn 100.000 ha trồng bưởi, với sản lượng hơn 900.000 tấn. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 32.000 ha, với sản lượng khoảng 370.000 tấn và được xem là vùng sản xuất trọng điểm.
Giá hồ tiêu cao nhất 147.000 đồng/kg
Khai thác
Giá hồ tiêu hôm nay (4/8) tại khu vực Tây Nguyên cao nhất là 147.000 đồng/kg tại các tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, tăng từ 500 đến 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Còn tại Chư Sê (Gia Lai), thương lái đang thu mua ở mức 146.000 đồng/kg giữ nguyên giá so với ngày hôm qua.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá hồ tiêu hôm nay cũng tăng 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. Cụ thể, tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước, giá mặt hàng này đang ở mức 147.000 đồng/kg.