Lực lượng Kiểm ngư là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi. Đặc biệt lưu ý diễn biến sâu bệnh trên lúa. Khái niệm chuyển đổi số còn mơ hồ với người nông dân. Hội điều Bình Phước: Tạo áp lực để giảm giá nguyên liệu điều thô nhập khẩu.
Lực lượng Kiểm ngư là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi
Sáng 14/4, tại Hà nội, Cục Kiểm ngư(Bộ NN-PTNT) tổ chức kỷ niệm 9 năm ngày ra mắt lực lượng kiểm ngư Việt Nam 15/4/2014-15/4/2023. Qua 9 năm phát triển, lực lượng Kiểm ngư đã và đang khẳng định được vị trí, vai trò, sự cần thiết của lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Đặc biệt, lực lượng kiểm ngư đã hoạt động hiệu quả trong công tác ngăn chặn các tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc, là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến mong muốn, thời gian tới, lực lượng kiểm ngư tiếp tục tham mưu cho Bộ phối hợp với các lực lượng như: Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân, Công an để tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, triển khai có hiệu quả ngăn chặn IUU, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là xuất khẩu thuỷ sản.
ĐẶC BIỆT LƯU Ý DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI TRÊN LÚA
Sáng 14/4,Cục bảo vệ thực vậttổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống sinh vật gây hại chính trên lúa giai đoạn cuối vụ Đông xuân 2022-2023 các tỉnh phía Bắc.Theo Trung tâm bảo vệ thực phía Bắc, đến thời điểm hiện tại, các đối tượng sinh vật hại chính như: bệnh đạo ôn lá, bệnh bạc lá, rầy nâu lưng trắng, chuột…có diện phân bố hẹp và mức độ hại thấp hơn so với cùng kỳ. Riêng sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 có mật độ và diện tích phân bố cao hơn so với vụ Đông xuân 2021-2022. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục BVTV cho biết, những tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như giá các loại vật tư đầu vào vẫn ở mức cao, thời tiết diễn biến thất thường.... Do đó, các tỉnh phía Bắc cần tiếp tục bám sát diễn biến của thời tiết để đưa ra những dự tính, dự báo, chỉ đạo sản xuất kịp thời, bảo vệ các vụ sản xuất chính trong năm, nhất là đối với cây lương thực. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý diễn biến của tình hình sinh vật gây hại trên lúa, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông trong giai đoạn lúa trỗ tập trung, đối với trà sớm vào cuối tháng 4, trà chính vụ và trà muộn từ 5-20/5. Bên cạnh đó, các bệnh như khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn và hiện tượng lúa cỏ cũng có khả năng gia tăng và tiếp tục gây hại.
Khái niệm chuyển đổi số còn mơ hồ với người nông dân
Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM vừa phối hợp cùng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Giải pháp tăng cường hợp tác, liên kết sản xuất và phát triển sản phẩm OCOP”. Hàng trăm đại biểu đến từ các HTX, doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp ở TP.HCM và các địa phương lân cận đã tham dự.
Tại hội nghị, TS Võ Thị Kim Sa cho biết, việc tổ chức liên kết trong HTX giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của HTX và mang lại nhiều lợi ích hơn cho các bên tham gia liên kết, giúp giảm chi phí cả chuỗi giá trị - chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.
Ở nước ta, nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế quan trọng và thu hút lượng lao động lớn nhưng lại có mức độ ứng dụng công nghệ thấp và tụt hậu so với thế giới. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của các ngành, các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp. Tuy nhiên, khái niệm chuyển đổi số còn mơ hồ với người nông dân, thậm chí với cả doanh nghiệp. Họ không biết phải bắt đầu chuyển đổi số ở đâu, như thế nào…
Hội điều Bình Phước: Tạo áp lực để giảm giá nguyên liệu điều thô nhập khẩu
Sau khi báo NNVN đưa tin nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều tại Bình Phước đã phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngưng hoạt động do thua lỗ.
Hội điều Bình Phước thông tin, hiện Hội đang có giải pháp giảm nhập, giảm các chi phí trong kinh doanh, hoạt động không liên tục nhằm gây áp lực để các nước xuất khẩu điều thô giảm giá nguồn nguyên liệu, từ đó có kế hoạch để ổn định sản xuất. Đây là giải pháp nhất thời trong khó khăn, để cùng vượt qua chứ không phải doanh nghiệp đóng cửa nghỉ luôn.
Theo Sở Công thương tỉnh Bình Phước, quý I, nhìn chung mặt hàng Điều có giảm nhưng vẫn ổn do vẫn còn đơn hàng từ trước và giá nguyên liệu chưa tăng cao. Tuy nhiên hiện tại giá đầu vào nguyên liệu nhập khẩu chế biến điều từ các nước tăng cao trong khi các thị trường xuất khẩu truyền thống giảm mạnh đã tác động đến ngành điều của tỉnh.