Nâng tầm sự hợp tác giữa Báo Nông nghiệp Việt Nam và ngành nông nghiệp Hưng Yên. Khởi động cánh đồng một triệu ha lúa chất lượng.
Nâng tầm sự hợp tác giữa Báo NNVN và ngành nông nghiệp Hưng Yên
Chiều 5/4, Báo Nông nghiệp Việt Nam - Cơ quan ngôn luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên để thảo luận, thống nhất Quy chế phối hợp công tác giữa 2 đơn vị để đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, truyền thông về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Hưng Yên trên các ấn phẩm của Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Tại buổi làm việc, ông Lê Trung Cần, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên cho biết, nông nghiệp hiện chỉ chiếm 7% trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, đây lại là lĩnh vực có sự tác động lớn tới gần 300.000 hộ với hơn 1 triệu nhân khẩu khu vực nông thôn. Theo ông Cần, bài toàn đặt ra với ngành nông nghiệp Hưng Yên là làm thế nào để nền nông nghiệp vẫn có thể tăng trưởng trong bối cảnh dân cư tăng nhanh, diện tích đất bị thu hẹp do xu thế đô thị hóa. Đó cũng là trăn trở của ngành nông nghiệp cũng như lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.
Đại diện Báo NNVN, Phó Tổng biên tập Vũ Minh Việt bày tỏ mong muốn 2 đơn vị phối hợp chặt chẽ hơn về công tác thông tin, tuyên truyền. Đồng thời, đề xuất với Sở NN-PTNT Hưng Yên 3 nội dung chính trong Quy chế phối hợp gồm: Đẩy mạnh phối hợp công tác thông tin, tuyên truyền; Phối hợp với Sở tổ chức các sự kiện, diễn đàn theo định hướng của tỉnh; tăng cường thực hiện các chương trình đặt hàng theo đúng định mức kinh tế kỹ thuật được phê duyệt.
Cũng tại buổi tiếp, ông Nguyễn Văn Kình, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hưng Yên khẳng định, khi có quy chế thì 2 đơn vị sẽ thực hiện bài bản, đầy đủ và nội dung tuyên truyền sẽ phong phú hơn. Đồng thời, gửi lời cảm ơn tới Ban biên tập cũng như các phóng viên, biên tập viên Báo NNVN đã phản ánh nhanh và kịp thời về tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại Bắc Hưng Hải. Từ đó, Hưng Yên đã được đầu tư trạm bơm dã chiến và bước đầu xử lý được vấn đề môi trường nước.
Khởi động cánh đồng một triệu héc ta lúa chất lượng
Sáng nay, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khởi động cánh đồng một triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cánh đồng thuộc huyện Vĩnh Thạnh, Thành phố Cần Thơ được chọn xuống giống đầu tiên cho đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Diện tích thí điểm là 50 héc ta. Hợp tác xã gieo sạ dưới nhiều hình thức bằng cơ giới hoá để so sánh về hiệu quả. Đợt này, hợp tác xã sử dụng giống xác nhận; Áp dụng quản lý nước ướt khô xen kẽ; Áp dụng bón phân cho vùng chuyên biệt, sạ hàng bằng máy kết hợp vùi phân, giảm số lần bón phân còn2 lần/vụ. Áp dụng IPM quản lý BVTV; Áp dụng máy gặt đập liên hợp cho thu hoạch; Thu gom rơm ra khỏi đồng làm nấm rơm và phân bón từ rơm, kết hợp bón phân hữu cơ cho lúa. Ngoài thành phố Cần Thơ, Bộ NN-PTNT cũng đã chọn Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng để triển khai Vùng đầu tư thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu héc ta.
Phục hồi vụ lúa mùa nước nổi kết hợp nuôi cá
Nông dân xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An trước đây chỉ trồng 2 vụ lúa, mùa lũ không trồng cấy gì được, bà con chủ yếu đánh bắt thủy sản tự nhiên. Với hỗ trợ từ Chính phủ Úc và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), bà con nơi đây đang phục hồi vụ lúa mùa nước nổi kết hợp nuôi cá canh tác theo hướng “thuận thiên” nhằm giữ gìn môi trường đất được màu mỡ, tránh bị bạc hoá, giảm phát thải khí nhà kính cũng như thất thoát sau thu hoạch, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ viên Hợp tác xã lúa mùa nổi cho biết, năng suất bình quân lúa nổi đạt 1,2 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với lúa 2 vụ chính (6 – 7 tấn/ha) nhưng chi phí sản xuất rất thấp, giá bán cao hơn gấp đôi khoảng 15.000 đồng/kg lúa. Hơn nữa ruộng lúa mùa nổi còn tạo môi trường sống cho các loài thủy sản, cuối vụ lúa tát ruộng, mỗi hộ có thêm nguồn thu cải thiện đời sống.
Phục hồi rừng bằng cây bản địa
Từ năm 2021 đến nay, Quảng Bình đã xây dựng được 106 mô hình trồng rừng bằng cây bản địa với độ che phủ trên 240 ha. Toàn bộ cây giống, phân bón đều được cho tặng và thêm một khoản tiền chăm sóc trong 3 năm. Đến thời điểm hiện tại toàn bộ cây đều xanh, tốt, đảm bảo đúng mật độ. Đây là thành quả của hàng ngàn lượt đóng góp của các cá nhân, tổ chức hỗ trợ người dân trồng rừng.Mục tiêu tỉnh Quảng Bình đề ra đến năm 2025 là trồng 100.000ha vùng rừng trồng nguyên liệu, trong đó diện tích rừng gỗ lớn và cây bản địa là 16.200ha, trong đó tập trung phục hồi rừng đầu nguồn.