Nghệ nhân là hồn cốt cho làng nghề Việt Nam phát triển. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ấn tượng với các sản phẩm nông sản của Thanh Hóa. Có thiết bị dẫn đường tự động, nông dân sắp được ‘rảnh tay’. Mất nước hàng tháng, cuộc sống nhiều hộ dân Triều Khúc bị đảo lộn.
NGHỆ NHÂN LÀ HỒN CỐT CHO LÀNG NGHỀ VIỆT NAM PHÁT TRIỂN
Quang Dũng sx
Sáng 9/11, Bộ NN-PTNT tổ chức buổi toạ đàm với các nghệ nhân, thợ giỏi tham dự Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023. Theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, đến nay, cả nước đã công nhận hơn 2.000 làng nghề truyền thống, thu hút khoảng hơn 3 triệu lao động nông thôn. Trong đó, những nghệ nhân, thợ giỏi được xem là hồn cốt cho làng nghề Việt Nam tồn tại và phát triển. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các làng nghề không chỉ là nơi bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là nơi góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần ổn định của người dân, và là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sản phẩm của làng nghề được thổi hồn từ đôi bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo của đội ngũ hàng nghìn các nghệ nhân, thợ giỏi, người lao động tạo ra các sản phẩm vừa phục vụ đời sống hàng ngày của người dân, vừa có tính thẩm mỹ góp phần tạo nên tính độc đáo của văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, bảo tồn và phát triển làng nghề phải lưu ý tới kiến trúc truyền thống, thiên nhiên khác biệt và bản sắc văn hoá đặc trưng của từng địa phương.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ấn tượng với các sản phẩm nông sản của Thanh Hóa
Quốc Toản sx
Sáng 9/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Thanh Hóa, năm 2023. Chương trình diễn ra trong 5 ngày, từ 09/11 - 13/11, tại quảng trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa với quy mô 200 gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương trong và ngoài tỉnh. Các gian hàng của các địa phương trong tỉnh tham gia triển lãm lần này đã lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của địa phương mình để giới thiệu đến các đối tác, khách hàng, qua đó tranh thủ quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong lĩnh vực sản xuất nông sản thực phẩm.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao đóng góp của các sản phẩm nông sản của tỉnh Thanh Hóa đối với nhu cầu hàng hóa trong nước và xuất khẩu; Thứ trưởng ấn tượng với chất lượng, mẫu mã các mặt hàng nông sản của Thanh Hóa và các địa phương khác đang tham gia trưng bày. Đồng thời mong muốn các mô hình sản xuất nông nghiệp nói chung, sản phẩm nông sản tại Thanh Hóa sẽ trở thành điển hình để các tỉnh trong vùng và cả nước học tập.
Có thiết bị dẫn đường tự động, nông dân sắp được ‘rảnh tay’
Kiên Trung sx
Sáng ngày 9/11, tại cánh đồng thôn Thanh Nê, xã yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, Công ty Cổ phần Đại Thành đã tổ chức trình diễn thiết bị dẫn đường tự động điều khiển từ xa NX510 lắp đặt trên các máy móc nông nghiệp như máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hoàn...
Đại Thành tiến hành lắp đặt thiết bị dẫn đường lên máy cày YM357A và máy cấy Y60D của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Sơn - một hộ sản xuất đại điền tại xã Yên Lợi.
Thiết bị dẫn đường NX510 cho phép lắp đặt trên các máy nông nghiệp có điều khiển bằng vô-lăng, được lập trình theo địa hình của khu vực máy hoạt động. Sau khi lắp đặt thiết bị, cài đặt hành trình, máy sẽ tự điều khiển theo lặp trình định sẵn.
Trong điều kiện lao động ngành nông nghiệp ngày càng khó khăn, giá nhân công cao (500 ngàn đồng/người/ngày), sản phẩm công nghệ này giúp giảm chi phí trong sản xuất.
Trải nghiệm tại buổi trình diễn, đại điền Nguyễn Văn Sơn cho biết, những ưu điểm nổi trội của NX510 giúp giải phóng sức người, khai thác tối đa công suất máy và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc.
Mất nước hàng tháng, cuộc sống nhiều hộ dân Triều Khúc bị đảo lộn
Thảo Phương sx
Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Cát trú tại ngõ 147 Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì Hà Nội cũng như bao hộ dân trong ngõ đều chung cảnh mất nước sinh hoạt kéo dài hàng tháng.
Từ đầu ngõ, những đường ống dẫn nước kéo chằng chịt, mỗi hộ dân ở đây đều mua ống dẫn nước để xin nhờ hàng xóm. Gia đình bà Cát có 5 người, phải đi xin nhờ nước hàng tháng nay. Nước dùng cho rửa bát, rửa rau bà Cát không dám đổ đi, lúc nào cũng có 1 chậu nước thải đã qua sử dụng được đăt giữa nhà như thế này. Để tiết kiệm, hai ba ngày bà tắm một lần, nước tắm cho cháu nhỏ bà Cát dùng lại. Quần áo thì hai ba ngày dồn lại để mang ra tiệm giặt. Người dân ở đây nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng đến nay chưa có hồi đáp.