Nghiên cứu thành công giống na có giá 200.000đ/kg. Kỳ vọng xuất khẩu sản phẩm 6 cây công nghiệp đạt 14 - 16 tỷ USD. Việt Nam sản xuất được 30 dạng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Giá tiêu trong nước tăng 5 ngày liên tiếp.
Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học 'Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc na QN-D1' với mục tiêu bổ sung giống mới vào cơ cấu giống cây ăn quả nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Cây na QN-D1 sinh trưởng nhanh gấp 1,5 lần so với na dai, ít sâu bệnh. Đặc biệt, cây có khả năng phát triển trong điều kiện nhiệt độ thấp nên có thể rải vụ thu hoạch vào dịp tết Nguyên Đán, mang lại giá trị kinh tế cao. Mỗi kilogam na QN-D1 có giá từ 150.000-200.000đ.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng mô hình, chuyển giao giống, kỹ thuật cho các địa phương thuộc vùng quy hoạch cây ăn quả tập trung của tỉnh, đặc biệt là các địa phương đang xây dựng và thực hiện Đề án cây ăn quả cấp huyện như: Hạ Long, Đầm Hà, Tiên Yên.
Kỳ vọng xuất khẩu sản phẩm 6 cây công nghiệp đạt 14 – 16 tỷ USD
Minh Phúc khai thác
Theo Quyết định số 431 của Bộ NN-PTNT phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, diện tích 6 loại cây công nghiệp chủ lực cả nước gồm cà phê, chè, điều, cao su, hồ tiêu, dừa đạt khoảng 2,1 đến 2,3 triệu ha.
sản lượng cà phê nhân đạt 1,8 - 2,0 triệu tấn, mủ cao su thô 1,3 - 1,5 triệu tấn, chè búp tươi 1,2 - 1,4 triệu tấn, hạt điều 0,36 - 0,4 triệu tấn, hồ tiêu 0,18 - 0,23 triệu tấn, dừa 2,1 - 2,3 triệu tấn.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm 6 loại cây này sẽ đạt 14 đến 16 tỷ USD (không tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ từ cây cao su).
Việt Nam sản xuất được 30 dạng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Minh Phúc khai thác
Ngành nông nghiệp đang có xu hướng sử dụng ít hơn thuốc bảo vệ thực vật hoá học và dùng nhiều hơn thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu thuốc bảo vệ thực vật sinh học chiếm 30% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong ngành nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong giai đoạn 2020-2022, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật hoá học sử dụng bình quân trong cả nước có xu hướng giảm. Cụ thế, nếu năm 2020, mỗi hecta sử dụng trung bình 3,81 kg thì đến năm 2022 giảm xuống còn 3,19 kg/hecta. Bên cạnh đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học có xu hướng tăng lên, từ 16,7% trong năm 2020 đã tăng lên gần 18,5% trong năm 2022.
Hiện cả nước đã có 85 cơ sở có sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sản xuất được gần 30 dạng thuốc bảo vệ thực vật sinh học khác nhau.
Giá tiêu trong nước tăng 5 ngày liên tiếp
Minh Phúc khai thác
Giá tiêu trong nước ngày hôm nay được ghi nhận dao động khoảng 82.500 đến 85.500 đồng một kg, tăng 500 đồng một kg tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, khu vực Đắk Lắk, Đắk Nông. Đây là ngày tăng thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó thị trường hạt tiêu thế giới tuần này phản ứng trái chiều với đà giảm ở Ấn Độ.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu đạt mức 84.000 đồng mộtkg. Riêng đối với tiêu khô đạt chất lượng, hạt chắc được cộng thêm điểm, giá bán có thể gần 90.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao trong nhiều năm qua, nên nông dân phấn khởi vào vụ thu hoạch niên vụ mới.