Nhóm doanh nghiệp chăn nuôi báo lãi đậm. Nông dân vùng Đồng Tháp Mười trúng mùa được giá lúa hè thu. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc giữ đà tăng trưởng. Tàu cá va chạm với tàu hàng, 11 ngư dân thoát nạn.
Nhóm doanh nghiệp chăn nuôi báo lãi đậm
Thanh Thuỷ khai thác
Đàn lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến tình hình chăn nuôi không ổn định, đặc biệt với khu vực hộ gia đình.
Trong bối cảnh đó, phần lớn doanh nghiệp ngành chăn nuôi đều ghi nhận mức tăng trưởng nhờ giá thịt hơi ổn định trở lại trong nửa đầu năm 2024.
Nổi bật trong bức tranh chung của ngành chăn nuôi là kết quả kinh doanh đến từ Dabaco và BAF với mức lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, quý II/2024, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.225 tỷ đồng, giảm 23%. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm sâu tới hơn 30% dẫn đến lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty ngược chiều tăng vọt 89% lên 174 tỷ đồng. Sau thuế, doanh nghiệp của ông Trương Sỹ Bá đạt lợi nhuận tăng trưởng đáng kể, gấp 4 lần cùng kỳ lên 34 tỷ đồng.
Nông dân vùng Đồng Tháp Mười trúng mùa được giá lúa hè thu
Văn Vũ sx
Tại Đồng Tháp, bà con nông dân đang thu hoạch lúa hè thu. Lúa đạt năng suất bình quân từ 6-6,2 tấn/ha, có những chủ ruộng đạt trên 6,4 tấn/ha.
Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, toàn tỉnh xuống giống gần 190 nghìn ha lúa hè thu, bà con rất phấn khởi vì lúa ít sâu bệnh, năng suất tương đương năm trước, giá bán có phần cao hơn từ 150-250 đồng/kg. Bên cạnh đó thời tiết nắng, máy vào tận đồng ruộng thu hoạch nhanh lẹ.
Thương lái thu mua tại ruộng với giá từ 7.400-7.600đồng/kg loại giống lúa OM 18 và OM 4900, còn lúa OM 5451 thương lái thu mua tại ruộng với giá 7.150-7.250 đồng/kg. Với giá bán trên, sau thu hoạch, trừ tất cả các khoản chi phí, nông dân còn lãi bình quân từ 20 - 24 triệu đồng/ha trở lên.
Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc giữ đà tăng trưởng
Thanh Thuỷ khai thác
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hàn Quốc hiện vẫn là thị trường tiêu thụ mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu.
6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt 114 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Quý 2/2024, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt 58 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, bạch tuộc là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2024, chiếm tỷ trọng 71,9%, mực chiếm 28,1%. Trong đó, nhiều nhất là các sản phẩm bạch tuộc khô, muối, sống, tươi, đông lạnh, chiếm tới 68% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc. Nhóm sản phẩm này tăng 18% trong khi nhóm bạch tuộc chế biến giảm 15%.
Tàu cá va chạm với tàu hàng, 11 ngư dân thoát nạn
Công Điền
Sáng 9/8, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được thông tin từ Trạm kiểm soát Thuận An thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An tàu cá số hiệu TTH-92189 TS đang trên đường vào bờ. Khi cách phao số 0 cửa Thuận An khoảng 500 mét (về phía Đông) thì tàu tự va chạm với tàu hàng Khánh Minh - 19 (chở hàng tro thạch cao đang neo đậu) dẫn đến tàu TTH-92189 TS bị chìm.
Thời điểm xảy ra sự cố, trên tàu cá có 11 thuyền viên. Sau khi nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An, Hải đội Biên phòng 2 điều động tàu BP31-12-01 với 8 cán bộ chiến sĩ ra cứu nạn.
Sau gần 30 phút, toàn bộ 11 ngư dân trên tàu cá TTH 92189 TS đã được đưa lên tàu hàng Khánh Minh - 19 an toàn.