Nuôi cua VietGAP để bảo vệ môi trường. Hoàn thiện ý tưởng vay vốn đầu tư hạ tầng canh tác lúa phát thải thấp. Hoa Kỳ: Thị trường tiềm năng cho trái cây Việt Nam. Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 33 mã vùng trồng.
Mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP ở tỉnh Cà Mau đã và đang mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân và góp phần cải thiện môi trường.
Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Cà Mau đã thực hiện dự án xây dựng vùng nguyên liệu cua theo hướng VietGAP, với quy mô 30ha và 15 hộ tham gia tại ấp Mỹ Bình, xã Phú Tân, huyện Phú Tân. Các hộ dân được Trung tâm khuyến nông tỉnh Cà Mau hỗ trợ 50% kinh phí về giống và các vật tư thiết yếu; được hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất cua theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ phân bón, vi sinh.
Sau gần 1 năm thực hiện thí điểm, mô hình nuôi cua theo hướng VietGAP đã cho kết quả rất khả quan. Với 3ha mặt nước nuôi cua sau 7 tháng thả nuôi người dân thu tỉa được hơn 350kg, tăng khoảng 50kg so với các vụ nuôi truyền thống trước đây. Với trọng lượng khoảng 3 con/kg, giá bán 400.000 đồng, tổng thu từ đầu năm đến nay là 140 triệu đồng.
Hoàn thiện ý tưởng vay vốn đầu tư hạ tầng canh tác lúa phát thải thấp
Minh Phúc khai thác
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Thanh Nam: Hiện Bộ NN-PTNT đang cùng 12 địa phương và Ngân hàng Thế giới (WB) hoàn thiện ý tưởng dự án vốn vay "Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL".
Đối với 7 mô hình thí điểm ở TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng trong 3 vụ, ông Nam cho biết bước đầu tổng chi phí đầu vào cho sản xuất giảm từ 10%-15% khi giảm được lượng giống, phân bón và nước tưới. Đáng chú ý, năng suất lúa thí điểm đạt 6,13-6,51 tấn/ha so với mức 5,89 tấn/ha của mô hình đối chứng, lợi nhuận đạt 21-25,8 triệu đồng/ha, cao hơn 1,3-6,2 triệu đồng/ha.
Hoa Kỳ: Thị trường tiềm năng cho trái cây Việt Nam
Minh Phúc khai thác
Là thị trường tiêu thụ trái cây khổng lồ, Hoa Kỳ còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, đặc biệt các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, các loại trái cây lệch mùa vụ, trái cây nhiệt đới mà sản lượng trong nước hạn chế...
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết với dân số trên 330 triệu người, sức tiêu thụ lớn, Hoa Kỳ là một thị trường trọng điểm cho các loại nông sản, thực phẩm trong đó có trái cây mùa vụ.
Năm 2023, Hoa Kỳ nhập khẩu rau quả tươi và đông lạnh trị giá khoảng 20 tỷ USD trong đó chủ yếu là quả mọng berries, bơ, chuối, nho, quả có múi, dâu tây…
Nhóm khách hàng chính hiện nay là cộng đồng dân cư gốc Á và đặc biệt là cộng đồng người Việt ngày càng lớn mạnh, tập trung tại các đô thị, thành phố lớn của Hoa Kỳ.
Việt Nam hiện có 8 loại trái cây tươi được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ bao gồm: thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi, dừa. Các loại trái cây phải được cấp mã số vùng trồng, nhà đóng gói, phải qua xử lý chiếu xạ được Bộ Nông nghiệp (APHIS – Cục Kiểm dịch động thực vật) xác nhận và kèm theo chứng thư kiểm dịch thực vật xác nhận đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật của Hoa Kỳ.
Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 33 mã vùng trồng
(Lê Bình sx)
Đến tháng 7/2024, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 24 mã vùng rồng xuất khẩu, 3 mã đóng gói chuối xuất khẩu và 68 mã vùng trồng nội địa, tăng 33 mã so với năm 2023.
Trong đó, các mã vùng trồng xuất khẩu trái cây đi các thị trường Hoa Kỳ, Eu, Australia, Nhật, Trung Quốc... với các loại trái cây: chuối, bưởi da xanh, sầu riêng, nhãn, thanh long với diện tích hơn 1.000 ha.
Trong các mã vùng trồng xuất khẩu, chuối là xuất khẩu ổn định, thường xuyên nhất. Toàn tỉnh có 5 vùng trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích 672 ha, sản lượng gần 20.800 tấn một năm.