Môi trường thay đổi đột ngột
Những ngày đầu tháng 5, nhiều tỉnh ở khu vực ĐBSCL đã có mưa chuyển mùa. Trời đang nắng nóng bỗng chuyển mây đen mù mịt và đổ mưa rào rào. Những cơn mưa bất chọt khiến người nuôi tôm nước lợ vừa mừng, vừa lo.
Mừng là mưa xuống làm nhiệt độ môi trường bớt nóng bức. Nước mưa pha loãng nước mặn, hạ độ mặn trong ao nuôi tôm về ngưỡng thích hợp cho tôm nuôi phát triển. Nhưng người nuôi tôm cũng lo ngáy ngáy khi môi trường thay đổi đột ngột, nguồn nước ao nuôi bị xáo trộn
Về các huyện vùng U Minh Thượng, nơi có diện tích nuôi tôm - lúa, nuôi tôm quảng canh cải tiến lớn nhất tỉnh Kiên Giang, mùa này đồng ruộng nước mênh mông như biển. Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2024 nông dân đã thả giống được 3 - 4 tháng, nhiều hộ đã có thu hoạch.
Là người có kinh nghiệm nuôi tôm sú xen canh với cua biển trên đất ruộng lúa hàng chục năm qua, ông Nguyễn Thanh Hiền (ở xã Nam Thái A, huyện An Biên) cho biết: “Những năm hạn hán nặng, nhiệt độ tăng cao như năm nay người nuôi tôm luôn gặp khó. Nếu không biết cách phòng chống tôm, cua nuôi dễ bị chết hàng loạt do sốc môi trường, dịch bệnh”.
Theo ông Hiền, những tháng đầu năm, tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao lên đến 33 - 35 độ C, có trưa lên đến 37 độ C, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, khoảng từ 8 - 10 độ C. Tôm nuôi rất dễ bị sốc môi trường, ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe, sinh trưởng của tôm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển.
Ngoài ra, nắng nóng cũng làm nước bốc hơi nhanh, làm độ mặn trong ao nuôi tăng cao, vượt ngưỡng thích hợp để tôm nước lợ phát triển. Trong trường này, cần giữ mực nước trong ruộng nuôi tôm đủ độ cao, hạn chế tình trạng nước bị nắng làm nóng. Nếu có điều kiện, nên thường xuyên bơm cấp bù nước để pha loãng độ mặn.
Với kinh nghiệm nuôi tôm - lúa lâu năm, ông Hiền cho biết, khi trời đang nắng nóng mà lại đột ngột có mưa càng làm cho điều kiện môi trường ruộng nuôi tôm biến động mạnh.
Ngoài thay đổi nhiệt độ, độ pH, nước mưa còn cuốn theo các các tạp chất, phèn từ bờ vuông xung quanh xuống, làm thay đổi chất lượng nước. Do đó, sau mưa cần phải tiến hành tạt nước vôi hoặc các chế phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản để ổn định nguồn nước.
Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2024, đến nay nông dân trong tỉnh đã thả nuôi được gần 130.000/136.000 ha kế hoạch. Trong đó, thả nuôi nhiều nhất là tôm - lúa với trên 105.000 ha, tôm nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến gần 23.000ha. Do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn đã làm gần 3.000ha tôm nuôi bị thiệt hại, tập trung ở hai huyện An Biên và an Minh.
Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Kiên Giang cho biết, phần lớn diện tích tôm nuôi trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại là do yếu tố môi trường bất lợi, chỉ có vài trăm ha được xác định là do nhiễm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp.
Khi phát sinh dịch bệnh, các cơ quan chuyên môn tại địa phương đã phối hợp, hướng dẫn các hộ dân xử lý, tiêu độc, khử trùng bằng Chlorine nhằm tránh lây lan ra diện rộng.
Giải pháp chống nóng cho tôm nuôi
Đối với loại hình nuôi luân canh tôm - lúa và nuôi tôm quảng canh cải tiến do có môi trường nuôi rất rộng nên nông dân không thể “làm nhà” che chắn, chống nóng cho tôm như nuôi công nghiệp được. Giải pháp chủ yếu là thiết kế ao, đầm nuôi (đối với nuôi tôm - lúa nông dân gọi là vuông nuôi tôm) đúng kỹ thuật, có hệ thống mương sâu chung quanh để tôm trú ẩn khi nắng nóng.
Ths. Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng Phòng Khuyến ngư - Nuôi trồng thủy hải sản, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, quản lý môi trường và sức khoẻ tôm nuôi trong điều trong điều kiện thời tiết nắng nóng cần nhiều giải pháp. Trước khi thả tôm giống, cần tiến hành nạo vét hệ thống mương chung quanh và gia cố đê bao đảm bảo giữ nước không bị thất thoát.
Theo Ths. Nguyễn Ngọc Toản, trong suốt quá trình nuôi, cần trì mực nước trên mặt trảng (mặt ruộng) tối thiểu ở mức 0,6 m, nhằm giúp một số yếu tố môi trường ít bị dao động, nhất là nhiệt độ nước, đồng thời hạn chế rong tạp, tảo đáy phát triển.
Cần cấp thêm nước bổ sung để bù lượng nước thất thoát do rò rỉ hoặc bốc hơi nhằm duy trì ổn định mực nước. Tuy nhiên, không nên cấp nước trực tiếp từ kênh cấp vào vuông nuôi, tránh bị lây nhiễm mầm bệnh, mà cần bơm qua ao lắng và khử trùng trước khi cấp.
Ngoài duy trì mực nước, cần thường xuyên do và ổn định độ pH, độ mặn, độ kiềm và quản lý độ trong, màu nước. Thường độ trong nước duy trì trong khoảng từ 30-40 cm là thích hợp. Nếu nước có độ trong quá cao, dễ dẫn đến tình trạng rong tạp, tảo đáy phát triển và môi trường biến động lớn, các thành phần thức ăn tự nhiên thích hợp cho tôm kém phát triển. Rong tạp vừa hạn chế không gian sống của tôm, vừa cạnh tranh dinh dưỡng với tảo và làm biến động một số yếu tố môi trường, nhất là pH nước và hàm lượng oxy trong nước bị giảm.
Khi độ trong nước cao, màu nước nhạt, cần dùng phân DAP ngâm nước qua đêm pha với lượng nước đủ để tạt khắp ao, đầm nuôi với liều lượng 10-15 kg/ha. Ngoài ra, có thể sử dụng chế phẩm vi sinh, cộng với hỗn hợp cám (700 gram), bột cá (300 gram) và rỉ đường (khoảng 2-3 kg) pha với 20 lít nước sạch, ủ khoảng 1-2 ngày rồi đem tạt khắp ao, đầm nuôi, giúp cải thiện màu nước và ổn định môi trường.
Ngược lại, khi nước có độ trong thấp, thường có nhiều chất lơ lửng, nhiều khí độc và tảo độc phát triển. Lúc này cần cấp bổ sung nước từ ao dự trữ nước vào ao, đầm nuôi, mỗi lần thay hoặc cấp bổ sung không quá 10% lượng nước hiện có trong ao, đầm nuôi.
Trong quá trình nuôi, nên kết hợp kiểm tra môi trường nuôi, theo dõi tình hình thời tiết và thông tin dịch bệnh ở các vùng lân cận để có biện pháp xử lý kịp thời. Kiểm tra tôm nuôi trong ao, đầm định kỳ để xác định một số chỉ tiêu sinh học của tôm như: tỷ lệ sống, tốc độ tăng trưởng... bằng cách thu mẫu tôm.
Hàng ngày, cần quan sát hoạt động bắt mồi của tôm nuôi, xem các biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua phụ bộ, thức ăn trong ruột,... để phát hiện dấu hiệu bệnh và xử lý kịp thời.
Thường xuyên kiểm tra, quan sát các biểu hiện bên ngoài như màu sắc, vỏ tôm, lột xác, hệ gan tụy, đường ruột và hoạt động của tôm để đánh giá sức khỏe tôm nuôi. Khoảng 3-5 ngày/lần, nên trộn các chất bổ sung như Vitamine C, men tiêu hóa và Beta-Glucan... vào thức ăn cho tôm ăn để hỗ trợ tiêu hóa, giúp tôm nuôi phát triển tốt; kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của tôm, ngăn ngừa một số tác nhân sinh học gây bệnh và cải thiện khả năng chống chịu của tôm trước điều kiện bất lợi của môi trường.
Các yếu tố môi trường bất lợi, biến động lớn, nhất là sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường nước, làm cho tôm nuôi bị suy yếu, tạo cơ hội cho mầm bệnh tấn công và gây bệnh. Trong quá trình nuôi, nếu cung cấp lượng thức ăn không đủ hoặc thiếu một số thành phần dinh dưỡng, cũng làm tôm nuôi bị suy yếu, mầm bệnh sẽ có nhiều cơ hội tấn công.