| Hotline: 0983.970.780

Tôm hùm, cá biển chết ở Phú Yên không phải do dịch bệnh

Thứ Sáu 24/05/2024 , 12:20 (GMT+7)

Tôm hùm, cá biển chết ở vùng nuôi thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) không phải do dịch bệnh mà do môi trường vùng nuôi thiếu oxy.

Người nuôi ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng nề do tôm hùm, cá biển bị chết hàng loạt. Ảnh: AN.

Người nuôi ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng nề do tôm hùm, cá biển bị chết hàng loạt. Ảnh: AN.

Mật độ nuôi quá dày

Bài liên quan

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt là Viện III) vừa có báo cáo khảo sát về việc hỗ trợ tỉnh Phú Yên xác định nguyên nhân tôm hùm, cá biển chết. Theo đó, ngày 22/5, Viện III đã cử đoàn công tác đến các thôn Vịnh Hòa và Phú Dương thuộc xã Xuân Thịnh (thị xã Sông Cầu), nơi tôm hùm, cá biển bị chết với số lượng lớn để khảo sát, đo đạc hiện trường và thu mẫu.

Kết quả khảo sát, Viện III nhận thấy vùng nuôi có tôm hùm, cá biển bị chết nằm ở khu vực bãi sau thuộc thôn Vịnh Hòa và Phú Dương có cửa vịnh thông ra biển hẹp (cửa đầm Cù Mông) và hơn 11.000 lồng nuôi tôm hùm, cá biển các loại.

Lồng nuôi là dạng lồng chìm, có khung bằng sắt bọc lưới, có kích thước 2,5 x 2,5 x 1 m, được đặt ở vùng nuôi có độ sâu 4 – 5m khi nước lớn và 3 - 4m khi nước ròng.

Lồng được “ganh” khỏi nền đáy bằng các phuy và can nhựa 20 lít; lồng cách nền đáy khoảng 0,5 - 1,0m; khoảng cách lồng cách lồng từ 0,8 – 1,5m, mật độ tôm thả nuôi từ 100 - 200 con/lồng.

Cơ quan chức năng lấy mẫu tôm hùm chết xét nghiệm và không phát hiện tác nhân gây bệnh sữa. Ảnh: AN.

Cơ quan chức năng lấy mẫu tôm hùm chết xét nghiệm và không phát hiện tác nhân gây bệnh sữa. Ảnh: AN.

Bài liên quan

Theo Viện III đánh giá, số lượng lồng nuôi như vậy trên một đơn vị diện tích là quá dày, làm cho khả năng lưu thông nước kém. Hơn nữa, lồng đặt tại vùng nuôi có độ sâu thấp so với quy định (6m khi nước ròng). Ngoài ra, nền đáy bùn có mùi hôi thối và nhiều vỏ động vật thân mềm dày 0,4 – 0,6m.

Trong quá trình đoàn khảo sát còn thấy có hiện tượng cá chình biển, cá biển các loại ngoài tự nhiên bị chết trong vùng khảo sát.

Đo đạc các thông số nước tại hiện trường nhận thấy hàm lượng oxy hòa tan (DO) chưa phù hợp cho nuôi tôm hùm và cá biển tại thời điểm khảo sát. Cụ thể, thời điểm nước ròng tại thôn Vịnh Hòa (cửa đầm) oxy hòa tan 0,64mg/l (tầng đáy) và 0,76mg/l (tầng mặt). Còn tại thôn Phú Dương oxy hòa tan 1,42mg/l (tầng đáy) và 2,7mg/l (tầng mặt).

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên thông tin, kết quả lấy 2 mẫu tôm hùm chết tại thôn Vịnh Hòa gửi Chi cục Thú y vùng IV xét nghiệm đều âm tính với bệnh sữa.

Trong khi thời điểm nước lớn tại thôn Vịnh Hòa oxy hòa tan 5,06mg/l (tầng đáy) và 5,27mg/l (tầng mặt; tại thôn Phú Dương oxy hòa 2,20mg/l (tầng đáy) và 2,54mg/l (tầng mặt). Ngoài ra, nhiệt độ nước đo dao động từ 28,8 - 30,8 độ C, cao hơn so với cùng kỳ tháng 5 năm ngoái.

Từ kết quả khảo sát, Viện III khuyến cáo giải pháp trước mắt để tránh thiệt hại cho người nuôi tại thị xã Sông Cầu như sau: Chuyển hoặc giảm số lượng lồng nuôi trên một đơn vị diện tích. Trong quá trình vận chuyển lồng cần lưu ý tránh làm sốc tôm hùm, cá biển. Đồng thời thu hoạch số tôm hùm, cá biển đã đạt kích cỡ thương phẩm. Đưa các lồng không còn tôm hùm, cá biển nuôi lên khỏi mặt nước nhằm tăng khả năng lưu thông của nước khi nước lớn, nước ròng (triều cường, triều kiệt) cũng như nâng lồng nuôi lên gần mặt nước, che mát lồng nuôi và chủ động chuẩn bị máy sục khí, bình oxy/hạt oxy phòng khi tôm hùm, cá biển nuôi bị ngộp do oxy thấp cục bộ.

Thiệt hại trên 38 tỷ đồng

Theo UBND thị xã Sông Cầu, tính đến 15 giờ ngày 23/5, đã có 67 tấn tôm hùm, 62 tấn cá biển của 281 hộ nuôi của các xã, phường gồm Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Đài, Xuân Thành bị chết, ước thiệt hại hơn 38,4 tỷ đồng.

Đến 15 giờ ngày 23/5, người nuôi ở thị xã Sông Cầu đã thiệt hại hơn 38 tỷ đồng. Ảnh: AN.

Đến 15 giờ ngày 23/5, người nuôi ở thị xã Sông Cầu đã thiệt hại hơn 38 tỷ đồng. Ảnh: AN.

Từ các kết quả quan trắc lấy mẫu nước, mẫu tôm, cá nuôi, UBND thị xã Sông Cầu ngày 23/5 đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Xuân Thịnh tuyên truyền, phổ biến người nuôi thủy sản biết về nguyên nhân tôm hùm, cá biển chết trong thời gian qua không phải do dịch bệnh lây lan mà do môi trường vùng nuôi thiếu oxy. Nguyên nhân do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dào, cộng thêm nước ròng, khi nước lớn cũng không vào được vùng nuôi nên không tạo được dòng chảy càng làm giảm khả năng hòa tan oxy vào nước.

Đối với các vùng nuôi hiện nay người nuôi thủy sản đang di dời lồng, bè nuôi tạm để tránh ảnh hưởng của môi trường, cần khuyến cáo người nuôi sắp xếp lồng thông thoảng, đảm bảo mật độ 30 – 60 lồng/ha.

Ngoài ra, đối với vùng nuôi tại các thôn Vịnh Hòa, Phú Dương, Hòa Hiệp (xã Xuân Thịnh) hiện mật độ lồng quá dày, gây cản trở lưu thông của dòng nước và là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng oxy hòa tan thấp trong thời gian qua, yêu cầu người nuôi đưa lồng không có thủy sản lên cao trên mặt nước (trên bè) hoặc đưa vào bờ để tạo sự thông thoáng dòng chảy cho cả đầm Cù Mông.

Viện III khuyến cáo người nuôi cần thường xuyên thu gom tôm, cá chết ngoài tự nhiên và rác thải, thức ăn dư thừa đưa lên khỏi thủy vực vùng nuôi. Theo dõi sát diễn biến tình trạng tôm hùm, cá biển nuôi 24/24 giờ và tình hình thời tiết trong thời gian tới để có giải pháp xử lý kịp thời, nhất là vào các thời điểm nước ròng vào ban đêm.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.