Sản xuất phân bón sốc vì giá than tăng gần 2 triệu đồng/tấn. Việt Nam - Malaysia bắt tay hợp tác phát triển ngành gỗ bền vững. Giá nhiều loại nông sản nhích lên từng ngày. Người nuôi cá tra đang lãi hơn 5.000 đồng/kg.
Sản xuất phân bón sốc vì giá than tăng gần 2 triệu đồng/tấn
Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất phân bón vừa có công văn gửi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV phản đối, khi đơn vị này liên tục tăng giá than trong những tháng gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất phân bón trong nước.
Than hiện chiếm 50% giá thành sản xuất với lân nung chảy và tới 75% trong sản xuất phân đạm ure. Do đó, việc TKV tăng giá than liên tục trong thời gian ngắn, từ 54 - 56% so với đầu năm đang là cú sốc rất lớn đối với sản xuất phân bón trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón thế giới neo cao và giá nông sản đang ở mức thấp.
Theo số liệu công bố từ phía các doanh nghiệp phân bón, từ đầu tháng 3 năm 2022 đến nay, TKV đã có 3 đợt tăng giá bán than, với mức tăng xấp xỉ 2 triệu đồng/tấn.
Lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đề nghị, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam xem xét lại mức điều chỉnh tăng giá bán và tần suất tăng trên tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" nhằm giúp doanh nghiệp, nông dân có khoảng thời gian "thở" để phục hồi sản xuất sau 3 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại địch Covid-19.
Việt Nam - Malaysia bắt tay hợp tác phát triển ngành gỗ bền vững
Hiệp hội Xuất khẩu Gỗ Malaysia và Hội đồng Đồ gỗ Malaysia vừa ký Bản ghi nhớ hợp tác với 4 Hiệp hội gỗ của Việt Nam gồm: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương, Hiệp hội Chế biến Gỗ Đồng Nai và Hiệp hội Gỗ thủ công mỹ nghệ Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp gỗ giữa Việt Nam và Malaysia.
Phía Malaysia cam kết phát triển bền vững ngành công nghiệp gỗ. Đồng thời, Malaysia mong muốn có thể được hưởng lợi từ đầu tư trực tiếp nước ngoài cao vào sản xuất đồ nội thất và tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu.
Các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá, biên bản ghi nhớ hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận cấp cao ASEAN năm 2000, cũng như sẽ bảo vệ quyền lợi của cả hai quốc gia trước các quy định có thể ảnh hưởng đến lợi ích của ngành công nghiệp gỗ của hai nước.
Năm 2021, xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Malaysia sang Việt Nam đạt 38,44 triệu USD, trong khi Malaysia nhập khẩu hơn 148,2 triệu USD sản phẩm gỗ từ Việt Nam.
Giá nhiều loại nông sản nhích lên từng ngày.
Giá nhiều loại nông sản Việt Nam xuất khẩu đang nhích lên khi tình hình thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc dần ổn định trở lại.
Hiện giá ớt đã tăng đều trên khắp cả nước. Tại khu vực các tỉnh phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, giá ớt được thương lái đến tận vườn thu mua với giá 60.000 đồng/kg. Còn ở khu vực miền Trung và Tây nguyên như Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, giá ớt chỉ thiên mua tại vườn đã tăng lên mức 70.000 đồng/kg. Nhiều chủ vườn cho biết, đây là mức giá cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Giá nhiều loại nông sản khác như mít thái, thanh long, dưa hấu cũng đang tăng trở lại. Tại ĐBSCL, mít Thái loại 1 được thương lái thu mua với giá 12.000 - 13.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại Bình Thuận, hoạt động thanh long xuất khẩu cũng nhộn nhịp hơn trước. Giá thanh long ruột trắng từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 17.000 - 19.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, Tại cửa khẩu Hữu Nghị, lượng xe xuất khẩu lên đến 100 xe/ngày, trong đó đa số là mặt hàng hoa quả. Tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, số phương tiện xuất khẩu mỗi ngày trên 180 xe.
Người nuôi cá tra đang lãi hơn 5.000 đồng/kg
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng cá tra tỉnh Đồng Tháp đạt hơn 240.000 tấn, giúp cho ngành hàng cá tra tỉnh Đồng Tháp thu về hơn 3.423 tỷ đồng, tăng khoảng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cá tra theo đó cũng phục hồi và tăng trưởng tốt, chi phí trung bình để sản xuất 1 kg cá nguyên liệu 25.633 đồng/kg, bán ra 31.000 - 32.000 đồng/kg, lợi nhuận lên tới 5.000 đồng/kg.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, địa phương đang quy hoạch phát triển các vùng sản xuất cá tra theo mô hình lớn, tập trung để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Hình thành các vùng sản xuất cá tra chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và huyện Cao Lãnh.