Sạt lở sông Tiền, Đồng Tháp công bố tình huống khẩn cấp. Giá cau giảm sâu còn 1/10 năm ngoái. Xây dựng lại ngành nuôi tôm hùm theo chuỗi giá trị bền vững. Sáp nhập các HTX nông nghiệp kém hiệu quả.
Sạt lở sông Tiền, Đồng Tháp ban bố tình trạng khẩn cấp
Thời gian qua hàng chục ngôi nhà của các hộ dân sống ven bờ sông Tiền ở khu vực xã Tân Quới, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp phải đối mặt với sạt lở và nguy cơ bị nhấn chìm, nhiều hộ đã di dời khẩn cấp khỏi khu vực nguy hiểm. Trước tình hình diễn biến phức tạp nghiêm trọng UBND tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở sông Tiền tại khu vực này.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức theo dõi sát diễn biến sạt lở, rà soát cập nhật vành đai sạt lở, chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ người dân di dời khi sạt lở tiếp tục xảy ra, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và hạn chế tối đa thiệt hại tài sản của người dân.
Phạm vi ảnh hưởng của sạt lở chiều dài 1.500m, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của 351 hộ dân sinh sống tại khu vực sạt lở, trong đó có 40 hộ dân nằm sát bờ song. Sạt lở sông Tiền.
Giá cau giảm sâu còn 1/10 năm ngoái
Thời gian này, người trồng cau ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đang bước vào kì thu hoạch. Tuy nhiên nhiều gia đình vẫn không mặn mà, bởi hiện tại giá cau đang giảm ở mức chưa từng có, cau tươi rất hiếm người mua. Năm nay, những lứa cau ra sớm, thu hoạch cách đây 1 tháng còn bán được với giá 30.000-35.000 đồng/kg. Hiện lứa cau đang vào độ thu hoạch những giá chỉ khoảng từ 5.000 – 7.000 đồng/kg, bằng 1/10 so với năm ngoái. Năm 2021, giá cau tươi lên đỉnh điểm với 90.000 đồng / kg. Giá cau xuống thấp trong khi đó, giá thuê người hái cau lại cao, thương lái kén chọn nên nhiều nhà vườn không muốn thu hoạch, để trái cau chín già trên cây. Nguyên nhân khiến cau rớt giá thê thảm theo các thương lái là do phía Trung Quốc ngừng thu mua nên không có đầu ra.
Xây dựng lại ngành nuôi tôm hùm theo chuỗi giá trị bền vững
Tại tỉnh Phú Yên trong năm 2021, sản lượng tôm hùm thu hoạch đạt 1.500 tấn. Những tháng trong năm 2022, toàn tỉnh thả nuôi hơn 96.000 lồng tôm hùm.
Còn tại tỉnh Khánh Hòa, theo ngành nông nghiệp tỉnh này, tổng số lồng thả nuôi tôm hùm toàn tỉnh khoảng 64.500 ô lồng, sản lượng trên 1.300 tấn. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều thách thức như việc quản lý nguồn giống, thức ăn, quản lý vùng nuôi còn nhiều bất cập. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản Trần Đình Luân, để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm các địa phương như trên cần rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất tôm hùm để đưa vào quy hoạch sử dụng đất, mặt nước biển theo quy định. Ngoài ra cần tổ chức lại nuôi tôm hùm theo chuỗi giá trị; xây dựng mô hình liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống tôm.
Sáp nhập các HTX nông nghiệp kém hiệu quả
Tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong giai đoạn 2022 - 2025 tới đây, tỉnh sẽ tiến hành sáp nhập từ 50 - 60 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có quy mô thôn hoạt động kém hiệu quả thành hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp quy mô lớn…
Đây là một trong những mục tiêu chính đặt ra về củng cố phát triển hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 do UBND tỉnh vừa ban hành.
Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh tập trung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nông nghiệp năng động, có trên 500 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó thành lập mới hợp tác xã trở lên, doanh thu lợi nhuận bình quân của một hợp tác xã tăng từ 7 - 10%/năm; 80% số hợp tác xã hoạt động kinh doanh ổn định.