| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất nông nghiệp thích ứng để giảm rủi ro thiên tai

Thứ Bảy 05/11/2022 , 18:03 (GMT+7)

LÀO CAI Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức diễn đàn về giải pháp sinh kế thích ứng, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng" cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ngày 3/11 tại Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Giải pháp sinh kế thích ứng, giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng".

Ông Lê Quốc Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng có địa hình chủ yếu là đồi núi hiểm trở, độ dốc lớn và bị chia cắt mạnh. Cùng với địa chất phức tạp, chất lượng và số lượng rừng đầu nguồn giảm mạnh. Tập quán sinh sống, canh tác gần nguồn nước ven sông suối của người dân… là những nguyên nhân chính khiến khu vực chịu thiệt hại nặng nề bởi các loại hình thiên tai như: Lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn, lũ, ngập lụt, rét hại, sương muối, lốc, sét, mưa đá, động đất, hạn hán…

Ông Lê Quốc Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N.T.

Ông Lê Quốc Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N.T.

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, năm 2021, cả nước đã xảy ra 841 trận thiên tai với 18/22 loại hình; làm 108 người chết và mất tích, 95 người bị thương; ước tính giá trị thiệt hại trên 5.200 tỉ đồng. Nguyên nhân chính gây nên các thiên tai bất thường là do biến đổi khí hậu, trong đó, Việt Nam là một trong các quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (đánh giá của Ngân hàng thế giới năm 2007).

Trong khi đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nước ta phần lớn diễn ra trong điều kiện tự nhiên nên thường chịu tác động trực tiếp và nặng nề của thiên tai. Những năm qua, mặc dù các cấp, ban ngành và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các hoạt động nhằm thích ứng và giảm thiểu các rủi ro thiên tai, song thực tiễn cho thấy còn nhiều nguy cơ và thách thức được đặt ra trong thời gian tới.

Điển hình, công tác dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai còn hạn chế và bất cập, nhất là dự báo trong phạm vi hẹp. Thiếu các công trình cảnh báo sớm, cảnh báo tự động, theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng. Thiếu các thiết bị chuyên dùng để nắm bắt tình hình, tiếp cận nhanh chóng địa điểm xảy ra thiên tai và phát hiện, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người bị ảnh hưởng.

Dân số gia tăng, thiếu nơi ở, nơi sản xuất an toàn; việc tiếp nhận thông tin không được thường xuyên; hiểu biết, kỹ năng phòng chống thiên tai của cộng đồng còn hạn chế...

Lào Cai là một trong những tỉnh chịu nhiều thiệt hại của thiên tai tới sản xuất nông nghiệp. Ảnh: BGT.

Lào Cai là một trong những tỉnh chịu nhiều thiệt hại của thiên tai tới sản xuất nông nghiệp. Ảnh: BGT.

Kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng trong khu vực còn hạn chế, nhiều công trình xuống cấp, thiếu gắn kết với công tác phòng chống thiên tai, chịu tác động rất lớn của mưa lũ, sạt lở, nhất là các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi, các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã, hệ thống lưới điện và thông tin liên lạc.

Công tác quản lý, vận hành hồ thủy lợi, thủy điện nhỏ còn nhiều bất cập, nguy cơ làm gia tăng rủi ro khi có mưa lũ lớn.

Việc tổng kết, đánh giá và nhân rộng các mô hình sinh kế đem lại hiệu quả tại các địa phương còn diễn ra trong phạm vi hẹp, chưa tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng…

Nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho người dân về kỹ năng ứng phó với thiên tai, đặc biệt là việc giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả tại các địa phương, qua đó đề ra các giải pháp cụ thể, tại diễn đàn “Giải pháp phát triển sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng”, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, tập trung đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất nhằm thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng.

Đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình nuôi cá tại xã Cốc San, TP Lào Cai. Ảnh: N.T.

Đoàn công tác Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan mô hình nuôi cá tại xã Cốc San, TP Lào Cai. Ảnh: N.T.

Diễn đàn cũng thảo luận các giải pháp kỹ thuật nhằm thích ứng, giảm thiểu thiệt hại do các loại hình thiên tai đến sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Trong đó tập trung vào việc nghiên cứu, chuyển đổi sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản và triển khai các biện pháp bảo vệ cây trồng, gia súc, gia cầm, thủy sản chủ động thích ứng thiên tai, nhất là mưa lũ, rét hại, sương muối, hạn hán. Các biện pháp xử lý môi trường sau thiên tai nhằm khôi phục sản xuất.

Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng thảo luận, đưa ra các giải pháp nâng cao nhận thức và tăng cường nguồn nhân lực về ứng phó với biến đổi khí hậu, thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng. Cơ chế, chính sách hỗ trợ và phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng. Giải pháp xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm họa môi trường, dịch bệnh. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng, thủy văn và cảnh báo thiên tai; nâng cao năng lực chủ động phòng tránh, giảm nhẹ, năng lực chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu…

Trước đó, đại biểu tham dự Diễn đàn đã tham quan một số mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu tại Lào Cai, trong đó có mô hình chăn nuôi gà mía và gà ri lai tại xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng); mô hình liên kết, tiêu thụ, sản xuất cá thương phẩm (cá trắm, cá rô, cá chép)...

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã trực tiếp tham mưu cho ngành nông nghiệp thực hiện nhiều chương trình dự án, nhiều mô hình sinh kế giúp người dân hướng tới tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

Trong đó, dự án truyền tinh nhân tạo lợn kết hợp với thú y cộng đồng, nâng cao trọng lượng đàn lợn giống tăng từ 3 - 5kg/con, hạn chế lây lan dịch bệnh. Dự án sản xuất giống gia cầm khu vực biên giới đã chủ động được 1/3 lượng giống gia cầm hàng năm, giảm lượng giống phải nhập từ địa phương khác, hạn chế nhập lậu giống gia cầm qua biên giới. Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số H’Mông trồng thâm canh lạc đỏ ứng phó với xói mòn theo tiêu chuẩn của VietGAP, cây lạc đỏ chống xói mòn, chịu hạn tốt, giúp hạn chế thoát hơi nước và sâu bệnh...

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.