Nhằm tìm giải pháp chăn nuôi an toàn bền vững, nhiều trang trại lớn ở Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi cho hiệu quả cao.
Thời gian qua ngành chăn nuôi trên cả nước, trong đó có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất không ổn định, giá cả thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y tăng cao và hoạt động chăn nuôi cũng có tác động xấu đến môi trường.
Nhằm tìm giải pháp chăn nuôi an toàn, giảm chi phí giá thành, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường hướng đến chăn nuôi bền vững, nhiều trang trại và hộ chăn nuôi heo quy mô lớn trên địa bàn tỉnh BR-VT đang ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, trong đó có sử dụng đệm lót sinh học vào xử lý chất thải chăn nuôi mang lại hiệu quả cao.
Ông PHẠM TRƯỜNG GIANG, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trang Linh
Đến nay những công nghệ cũ chúng tôi không áp dụng nữa mà thay đổi, thứ nhất về diện tích chăn nuôi, một trại của chúng tôi trung bình là hơn 4000 m2, quy mô 3000 con heo và mật độ chăn nuôi khoảng 1,7m2/con. Chúng tôi thay đổi hệ thống mái trại nuôi, trước đây là bằng mái tôn kẽm và Prô xi măng chuyển sang hệ thống mái nhựa có độ dày gấp 5 lần so với mái tôn kẽm, giá thành thì rẻ hơn khoảng từ 20 đến 30 ngàn/m2, tuổi thọ gấp đến 4-5 lần. Thứ hai là chúng tôi thay đổi về hệ thống dàn lạnh bằng dàn tấm lọc nhựa công nghệ của Nhật Bản, giá thành rẻ hơn 50% và tuổi thọ tăng gấp nhiều lần so với cũ.
Thời gian tới kế hoạch phát triển của trang trại, dự kiến sẽ nâng tổng đàn heo nái lên 5000 con và trung bình khoảng 100 heo thịt/năm. Ngoài ra mở rộng phân phối sản phẩm thịt sạch đạt chuẩn VietGAP và sẽ làm thêm mảng phân bón hữu cơ vi sinh.
Ông NGUYỄN XUÂN TRUNG, Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh BR-VT
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 127 trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm ứng dụng công nghệ cao, trong đó có khoảng 30% ứng dụng chăn nuôi có đệm lót sinh học rất có hiệu quả. Thứ nhất với heo con không bị bệnh tiêu chảy, bệnh phổi và bệnh khớp do không tiếp xúc với nước. Còi với heo thịt thì đã kiểm soát được độ ẩm trong chăn nuôi, không gây mùi hôi thối và ô nhiễm môi trường.
Đối với trang trại Trang Linh hiện nay đang chăn nuôi heo, ứng dụng đệm lót sinh học cách đây đã 10 năm rồi và cho hiệu quả rất cao. Đây là xu hướng chung của ngành chăn nuôi Việt Nam, về đệm lót sinh học rất hiệu quả trong chăn nuôi, Chi cục chăn nuôi Thú y hàng năm cũng đã có các lớp tập huấn hướng dẫn cho bà con phải dùng đệm lót sinh học hiện nay nó mang lại hiệu quả cao để cho ngành chăn nuôi ngày càng phát triển hơn.
Nuôi heo bằng đệm lót sinh học, đầu tư chi phí ban đầu cao nhưng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, đàn heo không cần phải tắm trong suốt thời gian chăn nuôi vì vậy không phát sinh nước thải gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được nhân công lao động.
Mô hình chuồng lạnh cũng giúp đàn heo cách ly với bên ngoài nên phát triển ổn định ít bị mắc bệnh, heo không cần dùng đến kháng sinh, vừa giảm chi phí phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi sử dụng thịt heo.
Ông TỐNG XUẤN CHINH, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN-PTNT
Đệm lót sinh học đã áp dụng rất rộng rãi và được Cục chăn nuôi công nhận tiến bộ kỹ thuật từ năm 2013, đến giờ có thể áp dụng cho cả quy mô trang trại cũng như quy mô nông hộ. Để phát triển rộng các mô hình này thì phải có các chính sách đầu tư để các doanh nghiệp thu gom các phế phụ phẩm, đặc biệt là rơm lúa có thể công nghiệp hoá các viên làm đệm lót sinh học.
Để mở rộng đệm lót sinh học cho chăn nuôi công nghiệp đối với con heo, chúng ta phải phát triển mô hình doanh nghiệp công nghệ cao để nhân giống các chủng vi sinh vật và đưa vào trong đệm lót sinh học để tăng cường quá trình an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Thành công của công nghệ đệm lót sinh học và trại lạnh đang mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi heo, gà tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cả nước. Mô hình không chỉ đơn thuần làm thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống lạc hậu góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời còn cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và hướng đến một nền chăn nuôi bền vững.