| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lợn hướng hữu cơ: Chi phí thấp, ít rủi ro, giá bán cao

Thứ Hai 23/05/2022 , 08:20 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Trong bối cảnh giá thức ăn tăng cao, nuôi lợn theo hướng hữu cơ đã phát huy nhiều lợi thế về vệ sinh môi trường, chi phí thấp, ít rủi ro dịch bệnh, giá cao.

Cuối năm 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với Trung tâm khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã triển khai xây dựng và hỗ trợ 2 mô hình liên kết chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ với tổng quy mô 50 con lợn thịt tại xã Hưng Thủy (huyện Lệ Thủy) và 55 con tại xã Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa).

Mục tiêu chính của mô hình là hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi tiếp cận dần với chăn nuôi hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, từ đó khuyến cáo nhân rộng cho các cơ sở chăn nuôi lợn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi theo hướng hữu cơ, hiệu quả kinh tế mô hình mang lại cao hơn gần 1,5 triệu đồng/con so với bên ngoài. Ảnh: Trọng Hiểu.

Nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi theo hướng hữu cơ, hiệu quả kinh tế mô hình mang lại cao hơn gần 1,5 triệu đồng/con so với bên ngoài. Ảnh: Trọng Hiểu.

Mô hình sử dụng giống lợn ngoại nuôi thương phẩm tại địa phương có trọng lượng bình quân khi đưa vào nuôi là 10 - 11 kg/ con, đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh, được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định. Chuồng trại được thiết kế với diện tích phù hợp để làm đệm lót sinh học, tạo điều kiện cho lợn vận động thoải mái.

Trong mỗi ô chuồng, 1/3 diện tích láng nền xi măng, 2/3 diện tích sử dụng đệm lót sinh học. Việc sử dụng đệm lót sinh học giúp xử lý tốt chất thải chăn nuôi, giảm mùi hôi rất hiệu quả, hạn chế mầm bệnh trong chuồng nuôi; không phải phun hóa chất tiêu độc, khử trùng; không dội rửa chuồng nên không xả nước thải ra môi trường.

Thức ăn chủ yếu cho lợn là bột ngô, cám gạo mua tại địa phương ủ với men vi sinh, sau đó trộn với thức ăn đậm đặc hoặc bổ sung men vi sinh vào thức ăn, nước uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Việc bổ sung men vi sinh có lợi vào đường tiêu hóa giúp tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng, ức chế sự phát triển các vi sinh vật có hại, nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, giúp cho lợn khỏe mạnh, lớn nhanh; giảm mùi hôi của phân, giảm khí độc chuồng trại…

Sau 4 tháng triển khai thực hiện, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của mô hình đã đạt và vượt so với yêu cầu đặt ra. Lợn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, không bị bệnh trong suốt thời gian nuôi nên không phải sử dụng các loại kháng sinh để điều trị bệnh; tỉ lệ nuôi sống đạt 100%, khối lượng bình quân đạt > 100 kg/con; tiêu tốn thức ăn tinh/kg tăng trọng < 2,4 kg; chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Hiệu quả của mô hình sẽ giúp phong trào chăn nuôi lợn hướng hữu cơ tại Quảng Bình được nhân rộng. Ảnh: Trọng Hiểu.

Hiệu quả của mô hình sẽ giúp phong trào chăn nuôi lợn hướng hữu cơ tại Quảng Bình được nhân rộng. Ảnh: Trọng Hiểu.

Thạc sỹ Đặng Thị Huế, cán bộ kỹ thuật Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, trong thời gian thực hiện mô hình, giá lợn giống mua vào để thực hiện mô hình và giá thức ăn công nghiệp tăng cao, trong khi giá lợn hơi trên thị trường tại thời điểm kết thúc mô hình giảm. Tuy vậy, lợn nuôi theo kỹ thuật của mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi không theo mô hình bình quân khoảng 1.490.000 đồng/con (ở Lệ Thủy) và 1.900.000 đồng/con (ở Tuyên Hóa) do giá bán thịt lợn hơi từ mô hình cao hơn từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với giá lợn hơi trên thị trường trong cùng thời điểm.

Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cho biết, những năm qua, nhờ thực hiện chủ trương phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô trang trại, công nghiệp nên ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, chăn nuôi của tỉnh Quảng Bình đến nay chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, nguồn thức ăn hữu cơ chưa chủ động được, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi phụ thuộc vào thương lái… nên việc xây dựng các cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn TCVN 11041 - 3:2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về chăn nuôi hữu cơ khó có thể thực hiện ngay được. Do đó, trước mắt Quảng Bình cần phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, từng bước tiếp cận và tiến tới phát triển chăn nuôi hữu cơ trong những năm tiếp theo.

Như vậy, mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, phòng bệnh hiệu quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi, cung cấp sản phẩm thịt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, cung cấp nguồn phân bón cho cây trồng và đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái trong cộng đồng dân cư, góp phần phát triển chăn nuôi ổn định và bền vững.

Sự thành công của mô hình là cơ sở để nhân rộng, phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ đối với lợn cũng như đối với một số đối tượng vật nuôi khác trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Tuyên Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung trong thời gian tới.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.