| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi heo bắt đầu cầm được đồng tiền lãi

Chủ Nhật 22/05/2022 , 13:43 (GMT+7)

Qua bao biến cố bất lợi của dịch bệnh và thị trường, đàn heo ở Bình Định vẫn tăng trưởng ổn định, đến nay người chăn nuôi đã chạm được vào đồng tiền lãi.

Người chăn nuôi ở Bình Định cho heo ăn thêm thức ăn tận dụng tại chỗ để giảm giá thành sản xuất. Ảnh: V.Đ.T.

Người chăn nuôi ở Bình Định cho heo ăn thêm thức ăn tận dụng tại chỗ để giảm giá thành sản xuất. Ảnh: V.Đ.T.

Niềm vui trở lại nơi vựa heo lớn nhất miền Trung

Huyện Hoài Ân (Bình Định), nơi được mệnh danh là vựa heo lớn nhất miền Trung với số lượng đàn hàng năm lên đến 350.000 con.

Hiện toàn Hoài Ân có 32 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, trong đó có 5 trang trại chăn nuôi công nghệ cao và hơn 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng công nghệ trong xử lý môi trường.

Trong giai đoạn 2020-2021, dù trải qua bao nhiêu biến cố bất lợi như: Dịch tả heo Châu Phi, tiếp tới là dịch Covid-19 rồi giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng cao, nhưng đàn heo ở Hoài Ân vẫn duy trì ổn định. Theo con số thống kê mới nhất, hiện nay tổng đàn heo ở Hoài Ân có 235.000 con, nhưng thực tế số lượng heo nuôi trong dân còn cao hơn.

Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, dù trong thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng cao, nhưng nhờ giá heo cũng ổn định ở mức cao nên người chăn nuôi không bỏ chuồng. Heo nuôi bằng giống địa phương hiện bán được 53.000đ/kg hơi, còn heo nuôi giống siêu thịt có giá từ 56.000đ-59.000đ/kg tùy tốt xấu, nên sau khi trừ tất tần tật mọi chi phí, mỗi con heo người nuôi còn lãi bình quân trên 500.000đ/con, nếu ai nuôi tốt thì còn lãi hơn nữa.

“Trong giai đoạn giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng cao, ngành chức năng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi trên địa bàn cho heo ăn thêm thức ăn tận dụng tại chỗ để giám giá thành chăn nuôi. Chúng tôi hướng dẫn bà con xay bắp, mì, trộn với cám gạo để thay thế thức ăn công nghiệp.

Công thức phối trộn chúng tôi chuyển giao cho nông dân đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cung cấp cho heo theo từng giai đoạn, nên dù ăn thức ăn tự phối trộn nhưng đàn heo vẫn sinh trưởng, phát triển ổn định. Hiện nay, giá heo tăng lên gần 60.000đ/kg hơi, người chăn nuôi ở Hoài Ân phấn khởi lắm, bởi lợi nhuận sẽ tăng hơn nữa”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân chia sẻ.

Giá heo giống ở Bình Định hiện giảm xuống chỉ còn 1 triệu đồng/con, bằng 50% so với lúc cao điểm. Ảnh: V.Đ.T.

Giá heo giống ở Bình Định hiện giảm xuống chỉ còn 1 triệu đồng/con, bằng 50% so với lúc cao điểm. Ảnh: V.Đ.T.

Sức mua mạnh nhưng nguồn cung không thiếu

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi ở Bình Định tăng trưởng ổn định. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị chăn nuôi ở Bình Định ước tính tăng trưởng được 5% so với cùng kỳ năm  trước. Tổng đàn heo nếu tính luôn heo con theo mẹ ở Bình Định hiện có gần 1 triệu con, trong đó có hơn 700.000 con heo thịt và heo nái.

“Năm 2018 là năm tổng đàn heo ở Bình Định tăng cao nhất mà cũng chỉ khoảng 800.000 heo thịt và heo nái, nếu tính cả heo con theo mẹ thì hơn 1 triệu con. Như vậy, tổng đàn heo ở Bình Định hiện nay so với thời điểm cao nhất cũng chẳng thua kém gì mấy, dù thời gian vừa qua đã phải trải qua bao biến cố bất lợi cho ngành chăn nuôi.

Cũng nhờ mấy năm nay Bình Định khống chế được dịch tả lợn châu Phi, rồi trong thời gian gần đây giá heo ổn định bình quân 55.000đ/kg hơi, nên dù giá thức ăn liên tục tăng cao nhưng người chăn nuôi vẫn có lãi, nên đã kích thích bà con không ngừng bổ sung đàn. Nhờ đó, bây giờ giá heo tăng cao gần 60.000đ/kg, thị trường lại ăn mạnh, người chăn nuôi vẫn có heo bán nên ai nấy đều phấn khởi”, ông Huỳnh Ngọc Diệp cho hay.

Giá heo tăng, người nuôi heo ở Bình Định hiện lãi ít nhất 500.000 - 600.000đ/con. Ảnh: V.Đ.T.

Giá heo tăng, người nuôi heo ở Bình Định hiện lãi ít nhất 500.000 - 600.000đ/con. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Trần Thị Lệ, nữ tỷ phú nuôi heo ở thôn Lương Lộc, xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định), người có gia trại chăn nuôi heo thương phẩm với diện tích 1.200 m2, mỗi năm bán ra thị trường khoảng 400 tấn heo thịt, cho biết: Hiện giá heo hơi nuôi trong dân được thương lái thu mua tại chuồng là 55.000đ-56.000đ/kg, giá heo nuôi trại áp dụng công nghệ cao còn cao hơn khoảng 3.000đ/kg, sức mua rất mạnh.

Giá thức ăn chăn nuôi hiện đang đứng giá cao nhất từ trước đến nay, thức ăn cho heo con hiện có giá 480.000đ/bao (25kg), thức ăn dành cho heo thịt 355.000đ/bao (25kg); nhưng nhờ giá heo giống giảm 1 nửa so với trước đây, giá heo giống nuôi trong dân chỉ còn 1 triệu đồng/con, giá heo giống siêu nạc 1,5 triệu đồng/con, nên với giá bán như hiện nay người nuôi heo vẫn lãi hơn 500.000đ/con.

“Mua 1 con heo giống mất 1 triệu đồng, nuôi đến 80kg nó ăn mất khoảng 2,5 triệu đồng tiền thức ăn nữa là 3,5 triệu đồng. Bán con heo 80kg hơi được 4,4 triệu đồng, trừ chi phí giống và thức ăn còn lãi 900.000đ/con; trừ thêm tiền điện, nước, thuốc thú y suốt chu kỳ người nuôi còn lãi ít nhất 600.000đ-700.000đ/con. Gạo đang rẻ, chỉ 10.000đ/kg, bà con mua gạo, mua cá vụn về nấu cháo, khi cho ăn pha thêm cám gạo vừa giảm được chi phí thức ăn công nghiệp, heo ăn lại ngon miệng nên nhanh tăng trọng, người chăn nuôi lại có lãi nhiều hơn”, bà Trần Thị Lệ tính toán.

“Từ năm 2019 trở về trước, khi giá thức ăn chăn nuôi còn thấp, giá thành 1kg heo hơi chỉ có khoảng 36.000đ-37.000đ/kg. Giờ giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, theo đó, giá thành 1kg heo hơi cũng tăng theo lên khoảng 49.000đ-50.000đ/kg; nếu nuôi trang trại áp dụng công nghệ cao thì giá thành giảm xuống còn 46.000đ-47.000đ/kg.

Với giá bán hiện nay 55.000đ-56.000đ/kg, người nuôi thủ công cũng có lãi được 5.000 - 6.000đ/kg, người nuôi công nghệ cao lãi 8.000đ-9.000đ/kg, nếu giá bán bây giờ tăng cao hơn thì người nuôi lãi nhiều hơn”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, phân tích.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.