Chuyển vùng tưới để khai thác giá trị nguồn nước hồ Ia Mơr. Hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn tại 13 địa phương. Tập huấn quy định về thị trường và an toàn thực phẩm hướng đến xuất khẩu. Đấu giá sâm Ngọc Linh ủng hộ xóa nhà tạm.
Chuyển vùng tưới để khai thác giá trị nguồn nước hồ Ia Mơr
Tuấn Anh sx
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan trong lĩnh vực lâm nghiệp, các dự án thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Những vấn đề then chốt được thảo luận liên quan đến hồ thủy lợi Ia Mơr chưa phát huy hết được khả năng tưới cũng như tìm giải pháp cho việc chuyển đổi trên 12 nghìn hecta cao su kém hiệu quả.
Tại đây, các vấn đề được tỉnh Gia Lai đề xuất, kiến nghị điều chỉnh để phù hợp yêu cầu thực tiễn. Đó là điều chỉnh, xây dựng vùng tưới dự án công trình thủy lợi Hồ chứa nước Ia Mơr sau khi tỉnh Gia Lai đề xuất phương án giữ lại, không chuyển mục đích sử dụng 4.700ha rừng tự nhiên để làm khu tưới như phương án ban đầu. Địa phương này đề nghị thay thế diện tích nêu trên bằng đất canh tác nhưng chưa có hệ thống dẫn nước tưới.
Trước những kiến nghị của tỉnh Gia Lai về thủy lợi Ia Mơr, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ phối hợp cùng UBND 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh, mở rộng vùng tưới và bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kênh trong trung hạn 2026-2030, đảm bảo phát huy mục tiêu, nhiệm vụ dự án đã đề ra. Giữa Bộ và Gia Lai đã thống nhất lại là sẽ tìm vùng tưới khác để khai thác tối đa hiệu quả dung tích của thủy lợi Ia Mơr.
Hình thành 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn tại 13 địa phương
Tuấn Anh - Phương Chi
Ngày 1/8, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025.
Sau 2 năm triển khai Đề án 5 vùng nguyên liệu thí điểm đã cơ bản hình thành rõ nét và phát triển cả về quy mô diện tích cùng chất lượng hoạt động.
Tổng vốn trung hạn dự án hạ tầng vùng nguyên liệu do Bộ NN-PTNT đầu tư đã giải ngân 220 tỷ đồng trong tổng số 440 tỷ đồng.
Diện tích vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp là hơn 103.000ha, trong đó xây dựng được 81 chuỗi liên kết, tăng 56 chuỗi so với thời điểm ban đầu triển khai đề án. Có 26 doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản tham gia liên kết và 353 HTX tham gia. Đã thành lập 130 tổ khuyến nông cộng đồng, trong đó Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thành lập 26 tổ, các tỉnh thành lập 104 tổ.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, về cơ bản, đề án đã hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn tại 13 tỉnh, thành thí điểm. Khi nói đến cây cà phê, lúa hay về rừng thì chúng ta chỉ ra được vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đó là nét nổi bật lớn nhất mà đề án đã làm được.
Tập huấn quy định về thị trường và an toàn thực phẩm hướng đến xuất khẩu
Minh Sáng sx
Nhằm hướng dẫn, phổ biến các thủ tục về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật trong thương mại nông sản, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, Văn phòng SPS Việt Nam triển khai chuỗi chương trình tập huấn hướng dẫn cho doanh nghiệp khu vực phía Nam nắm vững các quy định về thị trường và an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu, cũng như đăng kí các sản phẩm chế biến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tiến sĩ Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn Phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh, do yến là sản phẩm đặc thù và là một trong những ngành có giá trị kinh tế cao được Nhà nước đặc biệt quan tâm mở rộng thị trường. Do đó, ngay từ khi Việt Nam ký Nghị định thư về kiểm dịch các sản phẩm tổ yến và sản phẩm từ yến để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ, Văn phòng SPS Việt Nam đã và đang tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng yến.
Đấu giá sâm Ngọc Linh ủng hộ xóa nhà tạm
Lê Khánh sx
Trong lễ hội sâm Ngọc Linh diễn ra vào ngày 1/8 tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, ban tổ chức đã tiến hành đấu giá những củ sâm Ngọc Linh do các cá nhân, đơn vị trên địa bàn huyện này trao tặng.
Những cây sâm được mang ra đấu giá từ 5 đến 15 tuổi, đạt chất lượng cao cả về thẩm mỹ và dược chất. Ngoài những người tham gia trực tiếp, buổi đấu giá cũng thu hút khách hàng đấu giá qua hình thức online. Củ sâm Ngọc Linh được đấu giá cao nhất lên đến gần 130 triệu đồng. Kết quả buổi đấu giá đã thu về hơn 361 triệu đồng.
Đây là lần đầu tiên hoạt động đấu giá được tổ chức tại lễ hội sâm Ngọc Linh hàng năm ở huyện Nam Trà My. Những củ sâm được đưa ra đấu giá đã đạt giải trong hội thi sâm trước đó. Được biết, toàn bộ kinh phí thu được từ buổi đấu giá này được dùng để ủng hộ công tác xóa nhà tạm trên địa bàn huyện Nam Trà My.
Mùa nước nổi năm nay, sản vật cá linh non được bày bán sớm hơn nửa tháng tại các chợ thực phẩm đầu nguồn sông Mekong, giáp nước bạn Campuchia như chợ Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự và TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Tuy là sản vật đầu mùa lũ, cá linh non khan hiếm, nhưng giá bán lại thấp hơn cùng kỳ năm 2023.
Ở chợ chỉ có một vài người bày bán loại sản vật đầu mùa nước nổi, mỗi hàng bán 5 - 10kg cá linh non. Bà Nguyễn Thị Hảo có hơn 30 năm bán các loại thủy sản ở chợ Thực phẩm huyện Tam Nông cho biết: Giá cá linh non còn sống có giá từ 180.000 - 220.000 đồng/kg, còn cá linh non đã thuê người móc hầu, làm sạch ruột được bán với giá 250.000 đồng/kg (giảm từ 30.000 – 50.000đồng/kg so cùng kỳ năm 2023).
Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, trên thị trường hiện có 2 dạng cá linh non là cá cho sinh sản nhân tạo và cá linh non tự nhiên. Gần 1 tháng nay, cá linh non nhân tạo do một số hộ ương đã bán ra trên thị trường. Cá này có kích cỡ lớn bằng đầu đũa ăn, với giá bán 150.000 đồng/kg.
Thâm canh lúa tái sinh cho năng suất tăng gấp 2 lần
Tâm Phùng – Tâm Đức sx
Vụ hè thu năm nay,Phòng NN-PTNT huyện lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), đã triển Lkhai mô hình thâm canh lúa taisinh trên diện tích 14 ha tại cánh đồng sâu xã Hoa Thủy.
Toàn huyện Lệ Thủy có diện lúa vụ đông xuân trên 10.100 ha. Sau khi thu hoạch lúa động xuân thì các địa phương trogn huyện thực hiện gieo cấy vụ hè thu được 1.400 ha, diện tích lúa tái sinh trên 8.100 ha. Những năm gàn đây, năng suất lúa tái sinh chri đạt 16-18 tạ/ha, làm ảnh hưởng đến tổng sản lượng lương thực của địaphương.
Mô hình thâm canh được xây dựng các bước từ khâu thu hoạch, xử lý gốc rạ, chế độ tưới, bón phân, bảo vệ lúa trước địch hại như ốc bươu vàng, chuột…Qua đánh giá trên đồng, diện tích lúa tái sinh thâm canh đạt khoảng 332- 36 tạ/ha. Do chi phí sản xuất thấp nên nông dân có lãi khoảng 28 trieuej đồng/ha.
Từ mô hình, huyện Lệ Thủy sẽể đánh giá, và xây dựng quy trình kỹ thuật thâm canh lúa tái sinh nhằm mang lại hiệu quả cao hơn, tănh thu nhập cho người dân.
Người đàn ông 30 năm làm ‘cô đỡ thôn bản’
Anh Toản sx
Ông Hà Văn Sằng, 58 tuổi sống tại bản Tân Hương, xã Tam Chung huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa là "cô đỡ thôn bản" suốt 30 năm nay. Ông cũng là người đầu tiên tại bản được cử đi học lớp sơ cấp y tá thôn để chăm sóc sức khỏe dân bản. Mặc dù không được hỗ trợ của nhà nước nhưng 30 năm qua ông Sằng vẫn miệt mài đi khắp các gia đình trong bản đỡ đẻ, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong suốt quá trình công tác, ông Sằng đã đỡ đẻ hàng trăm sản phụ và chưa bao giờ xảy ra sai sót. Bên cạnh đó, ông Sằng còn trực tiếp tuyên truyền giúp người dân bỏ dần các hủ tục, tiếp cận với điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người mẹ và trẻ trong cả quá trình mang thai và sinh đẻ. Sự nhiệt huyết của ông Sàng đã góp phần vào công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng DTTS nói chung, xã Tam Chung nói riêng; góp phần củng cố mạng lưới cung chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các bản làng vùng cao của huyện Mường Lát nói chung.
Diễn tập ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn
Thanh Tiến
Huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) vừa tổ chức Diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn tại tại xã Minh Quân.
Cuộc diễn tập thực hiện các nội dung gồm: tổ chức chuẩn bị ứng phó bão lụt; thực hành ứng phó bão lụt và tìm kiếm cứu nạn; khắc phục hậu quả sau mưa bão. Phần diễn tập thực binh với tình huống, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, giông kèm theo gió lốc, mưa đá, ngập lụt. Một số khu vực xảy ra sạt lở đất đá. Các lực lượng tại chỗ hiệp đồng thực hiện sơ tán, di dời khẩn cấp người dân ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ ngập lụt đến khu vực an toàn. Tổ chức ứng cứu người bị thương và bảo vệ tài sản cho người dân.
Qua cuộc diễn tập nhằm kiểm tra, đánh giá việc chỉ đạo hiệp đồng của chính quyền địa phương và rèn luyện, hướng dẫn các phương án phối hợp tổ chức ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” của các lực lượng và người dân nhằm giảm thiểu thiệt hại khi có tình huống thiên tai xảy ra.