Chế độ đãi ngộ thấp, tỉnh Thanh Hóa có 70 xã, phường không có nhân viên thú y, trong đó có 10 đơn vị không tuyển được nhân viên thú y.
Thanh Hóa thiếu nhân viên thú y trầm trọng
Anh Nguyễn Đình Bính làm công tác thú y phường Quảng Tâm (TP. Thanh Hóa) hơn chục năm nay. Trước đây, khi còn chức danh cán bộ thú y xã, mỗi tháng anh Bính được hưởng mức phụ cấp 0,9 (tương đương hơn 1 triệu đồng/tháng). Năm 2021, khi xã Quảng Tâm chuyển đổi thành phường, chức danh thú y cũng không còn. Tuy nhiên, do Quảng Tâm vẫn là phường thuần nông, trong khi đó khối lượng công việc về chăn nuôi, thú y rất lớn nên không thể không có chức danh này
Anh Bính Mặc dù kiêm nhiệm 2 chức danh Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân và thú y phường, nhưng không được hưởng bất cứ chế độ chính sách gì. Để động viên anh Bính gắn bó với công việc chuyên môn, UBND phường Quảng Tâm đã "vận dụng" các nguồn để hỗ trợ anh Bính 1 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Đình Bính, Chủ tịch Hội nông dân, kiêm cán bộ thú y phường Quảng Tâm cho biết: "Mức phụ cấp đối với tôi cũng như một số phường lân cận không đảm bảo. Không có chức danh, đương nhiên không có lương, phụ cấp. Làm hợp đồng như thế không đảm bảo tính chuyên môn".
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa quy định về chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố… các phường sẽ không bố trí nhân viên thú y. Tuy nhiên, sau khi thực hiện Nghị quyết, nhiều bất cập đã lộ rõ tại các địa phương khi không bố trí chức danh cán bộ thú y phường.
Ông nguyễn Công Trường Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm: "Nguồn ngân sách không có trong kế hoạch để chi lương cho cán bộ thú y, nên thu nhập của anh em hết sức khó khăn. Cũng may đồng chí Bính là đảng viên nên nhiệt tình giúp địa phương. Nếu như người dân bình thường chắc người ta không làm".
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, toàn tỉnh có 70 xã, phường không có nhân viên thú y, trong đó có 10 đơn vị không tuyển được nhân viên thú y. Việc thiếu nhân viên thú y tại các xã, phường khiến công tác quản lý chuyên ngành về thú y trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Theo đó, công tác giám sát phát hiện dịch bệnh bị chậm trễ; việc triển khai các biện pháp chống dịch không kịp thời, không nhất quán; khó khăn trong công tác kiểm dịch động vật và quản lý thuốc thú y.
Ông Phạm Ngọc Hồng, Chủ tịch UBND phường Quảng Phú (TP. Thanh Hóa) cho biết: "Cấp có thẩm quyền nên xem xét, bố trí một cán bộ thú y tại phường để đảm bảo việc chỉ đạo, điều hành, hoạt động thống suốt, đặc biệt là vấn đề tiêm phòng gia súc, gia cầm đạt hiệu quả hơn".
Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 69 xã, thị trấn có chức danh cán bộ thú y nhưng không có chuyên môn thú y, tập trung tại các huyện như Hoằng Hóa, Mường Lát, Nga Sơn, Quảng Xương, Yên Định, Như Thanh, Quan Hóa, Ngọc Lặc... Cá biệt, nhiều cán bộ kiêm nhiệm chức danh thú y nhưng chuyên môn đào tạo không hề liên quan gì về lĩnh vực này. Nguyên nhân là do các địa phương không tìm được người làm chuyên môn trong khi chế độ đãi ngộ thấp.
Trước thực tế trên, ngành thú y Thanh Hóa nói riêng, Sở NN-PTNT Thanh Hóa nói chung kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tái lập lại các trạm thú y cơ sở; bổ sung chức danh nhân viên thú y cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; tăng mức thù lao đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.