| Hotline: 0983.970.780

Thái Bình có 3 cơ sở sản xuất giống lợn quy mô 10.000 con/năm

Thứ Hai 14/08/2023 , 16:34 (GMT+7)

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình, đia phương hiện có 3 cơ sở sản xuất con giống lợn với quy mô gần 10.000 con/năm.

Đàn lợn ngoại hiện chiếm trên 80% tổng đàn trên toàn tỉnh Thái Bình. Ảnh: BT.

Đàn lợn ngoại hiện chiếm trên 80% tổng đàn trên toàn tỉnh Thái Bình. Ảnh: BT.

Thời gian qua, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Bình có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu giống vật nuôi theo hướng tăng tỷ lệ vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, vòng quay ngắn để tăng khối lượng sản phẩm xuất chuồng và giá trị sản phẩm chăn nuôi.

Đàn lợn ngoại hiện chiếm trên 80% tổng đàn trên toàn tỉnh, với khoảng 900 lợn đực giống Yorkshire, Duroc, Landrace. Khối lượng lợn thịt xuất chuồng tăng đều, đạt trung bình khoảng 100kg/con, riêng lợn ngoại đạt trung bình 120 - 130kg/con. 

Cùng với đó, Thái Bình đã có 3 cơ sở sản xuất con giống lợn với quy mô gần 10.000 con/năm, 18 cơ sở sản xuất con giống gia cầm và 59 cơ sở ấp trứng gia cầm với quy mô khoảng 4 triệu con/năm, chủ yếu là giống gà ri lai, vịt Super lai, vịt bầu cánh trắng.

Đàn bò của tỉnh đã và đang cải tạo theo hướng lai nhóm zebu, chiếm tỷ lệ trên 90% tổng đàn bò. Tầm vóc, thể chất, năng suất tăng cao hơn nhiều so với trước đây.

Đặc biệt, chăn nuôi theo hình thức trang trại, ứng dụng công nghệ được nhân rộng. Chuyển đổi phương thức chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi VietGAHP được tuyên truyền, nhân rộng áp dụng rộng rãi, khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thú y được chuyển giao, ứng dụng đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Một số chủ doanh nghiệp, trang trại, nông hộ chăn nuôi đã ứng dụng thành tựu của công nghiệp 4.0 trong quản lý công tác chăn nuôi, phát triển thị trường tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm.

Năm 2021, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã hỗ trợ 1.500 con vịt giống cao sản SHST53 cho ông Phạm Hữu Phong, xã Thuần Thành, huyện Thái Thụy nuôi thử nghiệm. Sau hai năm, ông Phong hạch toán, cứ 1kg vịt tiêu tốn 2,5kg thức ăn, chi phí vào 1kg vịt chưa tính công khoảng 35.000 đồng. Với giá bán 42.000 - 45.000 đồng/kg, mỗi con vịt giúp người chăn nuôi thu lãi gần 20.000 đồng (chưa tính công chăm sóc).

Nhờ đặc điểm của vịt cao sản SHST53 là tỷ lệ thịt cao, tăng trọng nhanh, tiêu tốn ít thức ăn, thời gian nuôi ngắn hơn các giống vịt địa phương nhưng vẫn cho sản phẩm thịt chất lượng tốt, vịt đồng đều, dễ bán, ông Phong quyết định chuyển dần quy mô đàn vịt sang giống mới để tăng hiệu quả chăn nuôi.

Dù đạt được một số thành quả, nhưng chăn nuôi Thái Bình vẫn khát giống vật nuôi chất lượng cao. Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình cho biết, dù chuyển dịch tích cực nhưng cơ cấu, số lượng trong từng đối tượng vật nuôi của tỉnh vẫn chưa hợp lý.

Đàn giống chiếm cơ cấu lớn, chủ yếu là đàn nhân giống và đàn hạt nhân, tỷ lệ giống vật nuôi cao sản thấp dẫn đến giống sản xuất ra chủ yếu cung cấp cho nhu cầu chăn nuôi nông hộ, giá trị sản phẩm thấp, con giống tại các trang trại nhất là quy mô vừa và lớn chủ yếu nhập từ các tỉnh ngoài.

Tăng cường các giống vật nuôi chất lượng cao sẽ giúp Thái Bình giải quyết một số tồn tại của địa phương như chăn nuôi nông hộ nhỏ trong khu dân cư còn chiếm chủ yếu, quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ tập trung chưa nhiều.

Để giải quyết các bài toán trên, cũng như tiếp tục tăng hiệu quả tái cơ cấu ngành và thích ứng hơn nữa với yêu cầu thị trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiến nghị UBND và Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp, hiện đại, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường và thực hiện chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị.

Cùng với đó, tỉnh sớm ban hành các chính sách đặc thù đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung, nhất là dự án sản xuất chăn nuôi con giống chất lượng cao, dự án chăn nuôi có liên kết với người dân.

6 tháng đầu năm 2023, tổng đàn trâu, bò của Thái Bình ước khoảng 58.000 con, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2022, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước khoảng 5.200 tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Tổng đàn lợn gần 700.000 con, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 77.000 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ.

Tổng đàn gia cầm ước gần 14 triệu con, tương đương với cùng kỳ năm 2022, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 28.000 tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm các loại ước đạt 170 triệu quả, tăng 0,6% so với cùng kỳ.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.