| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn cạn thuốc sát trùng phòng dịch

Chủ Nhật 20/08/2023 , 14:58 (GMT+7)

Nếu không có giải pháp kịp thời, trong những tháng tới tỉnh Bắc Kạn sẽ cạn thuốc sát trùng, khử khuẩn phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Huyện Na Rì, Bắc Kạn sắp hết thuốc sát trùng phun sát trùng khử khuẩn trong khi trên địa bàn đang xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Ngọc Tú. 

Huyện Na Rì, Bắc Kạn sắp hết thuốc sát trùng phun sát trùng khử khuẩn trong khi trên địa bàn đang xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tại huyện Na Rì, nơi đang có dịch tả lợn Châu Phi, toàn huyện chỉ còn 248 lít thuốc sát trùng, số lượng thuốc này chỉ đủ dùng phun khử khuẩn trong 2 tuần tới. Trong trường hợp dịch lan rộng ra các xã gần vùng dịch, nhu cầu lớn hơn, lượng thuốc sát trùng có thể cạn kiệt ngay lập tức.

Ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết, huyện chỉ có thể phun khử khuẩn ở vùng có dịch, không phun những vùng lân cận bị dịch uy hiếp nếu không sẽ hết thuốc. Để đảm bảo phòng, chống dịch, trong thời gian tới nhu cầu của huyện cần từ 1.000 - 1.500 lít hóa chất. Địa phương không có kinh phí mua hóa chất nên đã đề nghị tỉnh hỗ trợ.

Tương tự, huyện Pác Nặm cũng đang có dịch tả lợn Châu Phi, nhưng đến nay chỉ còn dưới 200 lít hóa chất. Số thuốc này chỉ đủ dùng trong thời gian ngắn, sắp tới nếu không được bổ sung cũng sẽ hết.

"Hiện, huyện Pác Nặm đang phải dùng hết sức tiết kiệm, về lâu dài cần bổ sung thuốc, trong trường hợp nhu cầu sử dụng tăng cao sẽ khó xử lý, không đảm bảo phòng, chống dịch", ông Ma Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm nhận định.

Trong khi hai huyện Pác Nặm, Na Rì đang có dịch sắp hết thuốc sát khuẩn thì các địa phương khác trong tỉnh nguồn dự trữ cũng không còn nhiều.

Ông Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện toàn tỉnh chỉ còn hơn 1.000 lít thuốc sát trùng để phun khử khuẩn. Số hóa chất này đã phân hết về các huyện, thành phố, nếu dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục lây lan hoặc phát sinh thêm các bệnh khác trên đàn vật nuôi khiến nhu cầu sử dụng tăng trong thời gian tới, tỉnh sẽ cạn kiệt thuốc.

"Lượng thuốc này chủ yếu từ năm 2021 chuyển sang, năm 2022 tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức đấu thầu mua thuốc sát trùng và một số loại vacxin tiêm phòng khác nhưng không có doanh nghiệp dự thầu dẫn tới phải hủy thầu. Đến thời điểm này của năm 2023, toàn tỉnh cũng chưa mua được thuốc sát trùng để phun khử khuẩn", ông Đỗ Xuân Việt thông tin thêm.

Do năm 2022 không có doanh nghiệp dự thầu vacxin và thuốc sát trùng nên hiện tỉnh Bắc Kạn thiếu thuốc sát khuẩn phun khử trùng gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Ngọc Tú. 

Do năm 2022 không có doanh nghiệp dự thầu vacxin và thuốc sát trùng nên hiện tỉnh Bắc Kạn thiếu thuốc sát khuẩn phun khử trùng gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Ảnh: Ngọc Tú. 

Với số lượng thuốc chỉ còn hơn 1.000 lít, trước mắt tỉnh Bắc Kạn chỉ có thể điều chuyển thuốc sát trùng từ huyện chưa có dịch sang vùng có dịch để giải quyết tình thế cấp bách. Tuy nhiên, số lượng điều chuyển không được nhiều vì các huyện cũng cần để lại một phần dự phòng.

Trong khi chưa mua được thuốc, năm 2022 tỉnh Bắc Kạn đã được Bộ NN-PTNT xuất hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ 10.000 lít hóa chất sát trùng Han - Iodine 10%. Toàn bộ số hóa chất sát trùng này đã được phân về các huyện, thành phố, từ đầu năm các địa phương đã sử dụng hết để phun khử khuẩn. Số thuốc các huyện đang sử dụng và dự trữ là còn dư lại từ năm 2021.

Trước thực trạng có thể cạn kiệt thuốc, ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã yêu cầu Sở NN-PTNT nhanh chóng tham mưu để tỉnh đề xuất trung ương hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia. Ngoài ra, các sở, ngành liên quan cần làm rõ nguyên nhân vì sao chưa đấu thầu mua được thuốc sát trùng và một số loại vacxin, từ đó có giải pháp để tổ chức đấu thầu mua sắm ngay trong thời gian tới.

Thời điểm này, tại Bắc Kạn thời tiết mưa ẩm kéo dài, đây là điều kiện thuận lợi để nguồn gây bệnh trên đàn vật nuôi phát triển. Thực tế, nhiều năm qua cho thấy, đây là thời gian thường xuyên xảy ra bệnh dịch trên đàn vật nuôi. Do đó, việc bổ sung thuốc sát trùng để phòng dịch là rất quan trọng. Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn cũng cần có phương án dự phòng trong trường hợp dịch trên đàn vật nuôi lan rộng.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.