Tháo gỡ vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Lô hàng Premix đầu tiên lên đường sang Cuba. Chuyển đổi gần 80ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác. Nuôi tôm trong ao lưới đáy giúp giảm chi phí sản xuất 10 - 15%.
Tháo gỡ vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng
Đức Minh – Sx
Tại hội nghị triển khai Nghị định 91 sửa đổi bổ sung một số điểm của Nghị định 156 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Lâm nghiệp diễn ra sáng nay (31/7), Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, nghị định 91 là bước đột phá, tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác quản lý và sử dụng rừng. Từ đó, tạo ra giá trị đa dụng của nguồn tài nguyên này.
Theo đó, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, gồm rừng tự nhiên và rừng trồng, không phân biệt quy mô diện tích rừng. Đối với các dự án đầu tư có đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc thầm quyền chấp thuận, quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì sẽ có văn bản chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án. Đồng thời là chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án.
Thủ tục hành chính sẽ được giảm từ 50 xuống còn 35 ngày. Các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cũng được bổ sung vào tiêu chí dự án được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Lô hàng Premix đầu tiên lên đường sang Cuba
Duy Học – Sx
Mới đây, tại Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã tới dự Lễ khánh thành Nhà máy ECO MIX Việt Nam của Công ty Toàn Thắng - ECOVET và cắt băng xuất khẩu lô hàng premix đầu tiên của Nhà máy này cho Fujinuco sang Cuba.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi còn nhiều dư địa nhưng lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y của doanh nghiệp trong nước còn chưa đáp ứng được hết nhu cầu. Do đó, việc nhà máy ECO MIX Việt Nam ra đời sẽ đáp ứng được nhu cầu premix cho hầu hết các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam một cách nhanh nhất, chất lượng tốt nhất và giá cả cạnh tranh nhất. Sản phẩm premix hiện được sản xuất đa dạng dành cho các vật nuôi như lợn con, lợn nái, gia súc lớn, gia cầm. Một nhóm sản phẩm còn được chuyên dùng cho bò sữa, bò sữa cao sản.
Chuyển đổi gần 80ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác
Tâm Phùng - Tâm Đức – Sx
Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 80 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, vùng gặp hạn hán…sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, chuyển đổi sang trồng sen trên 23 ha, dưa hấu gần 15 ha, sắn 11 ha và diện tích trồng các loại rau, màu khác… Hiệu quả kinh tế của cây trồng chuyển đổi tương đối cao, trung bình lãi 10-20 triệu đồng/ha, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa.
Việc chuyển đổi đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng gặp khó khăn về thủy lợi. Qua đó, khai thác những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững.
Nuôi tôm trong ao lưới đáy giúp giảm chi phí sản xuất 10 - 15%
Văn Vũ – Sx
Thời gian qua, người nuôi tôm tại Sóc Trăng đã mạnh dạn chuyển đổi sang các mô hình mới. Trong đó, mô hình nuôi tôm theo hình thức lưới đáy đã được nhiều vùng áp dụng, bước đầu cho thấy hiệu quả khả quan.
Theo các hộ nuôi ở xã Hòa Đông, TX.Vĩnh Châu, nếu ao lót bạt đáy thông thường có mực nước tối đa là 1,3 mét, thì ao lưới đáy cho mực nước cao đến 2 mét. Điều này giúp người nuôi có thể thả tôm với mật độ thưa hơn. Do đó, thay vì thả tôm với mật độ là 200 con/1 mét vuông như trước thì vụ nuôi năm nay, mật độ thả đã giảm chỉ còn 100 con/1 mét vuông. Nhờ vậy, tôm nuôi lớn nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch khoảng 2 tuần, giúp giảm được chi phí sản xuất từ 10 đến 15%.
TIN CHƯA SỬ DỤNG
Trồng tre lấy măng thu hơn 600 triệu đồng mỗi ha
Tâm Phùng- Tâm Đức – Sx
Cách đây khoảng 3 năm, chị Lê Thị Lan Hương (thôn Bàng xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), chuyển đổi gần 2 ha cây cao su sang trồng tre lấy măng Lục trúc. Vườn măng sau gần 2 năm đã cho hoạch và hiện đang vào chính vụ.
Khi thấy mầm măng non mới nhú lên mặt đất thì người lao động dùng thuổng đào sâu xuống khoảng 20 cm rồi chắn gốc thu hoạch. Mỗi ha đất trồng được 1.000 gốc măng, trung bình mỗi gốc cho thu hoạch từ 15-30 kg măng tươi. Măng được thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 8, mỗi ha cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng.
Hiện măng tươi đang được bán với giá 60 ngàn đồng mỗi kg và được thị trường ưa chuộng vì độ ngọt, giòn khi chế biến làm thức ăn nên đầu ra cung không để cầu. Hiện, chị Lê Thị Lan Hương đã thành lập doanh nghiệp và đang thực hiện dự án trồng tre lấy măng trên diện tích rộng khoảng 25 ha.