Thủ tướng chỉ đạo 'nóng' về ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật. SPS giúp doanh nghiệp vững tin xuất khẩu nông sản năm 2024. Thanh long cuối mùa giá cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Giải cứu 20 chú mèo và đóng cửa cơ sở giết mổ tại Thái Nguyên. Xuất khẩu tôm sang Trung Đông còn nhiều dư địa tăng trưởng.
THỦ TƯỚNG CHỈ ĐẠO 'NÓNG' VỀ NGĂN CHẶN NHẬP LẬU, VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP ĐỘNG VẬT
Quang Linh khai thác
Ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đã ban hành Chỉ thị về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh bền vững, bảo đàm nguồn cung thực phẩm.Chỉ thị của thủ tướng ban hành trong bối cảnh tình trạng nhập lậu động vật vẫn diễn ra phức tạp tại một số nơi, gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm.Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Ban chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông… để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới và Việt Nam.Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
SPS giúp doanh nghiệp vững tin đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm mới 2024
TIN NHANH 6.12 (Minh Sáng sản xuất)
Tại Hội nghị “Hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc”, do Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đồng chủ trì với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, Tiến sĩ Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: Trong khuôn khổ của Chương trình truyền thông, hội nghị này đã cập nhật và cung cấp cho các doanh nghiệp thông tin mới nhất về bối cảnh chung các thị trường xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm trên thế giới. Đồng thời, đi sâu vào những thông tin cơ bản nhất về yêu cầu, đổi mới, những điều kiện cần phải đáp ứng được khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; Phổ biến hướng dẫn chi tiết đối với những sản phẩm có nguồn gốc thực vật cho doanh nghiệp làm sao đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tương tự, đối với những sản phẩm thủy sản hay các sản phẩm vừa ký Nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu tổ yến, thì các doanh nghiệp cũng được hướng dẫn và chia sẻ những kinh nghiệm trong việc kiểm tra trực tuyến của Hải quan Trung Quốc, giúp các doanh nghiệp vững tin bước sang năm 2024 đạt được mục tiêu xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như mục tiêu chung của ngành nông nghiệp Việt Nam sang thị trường tỉ dân này.
Thanh long cuối mùa giá cao gấp 3 lần so cùng thời điểm năm trước
Hoài Thơ khai thác
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, vùng trồng thanh long xuất khẩu của tỉnh đã đạt gần 9.000 ha, chủ yếu trồng giống thanh long ruột đỏ, cho sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 200.000 tấn trái cung ứng thị trường xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2.300 ha diện tích thanh long được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP; trong đó có 2.196 ha đạt chứng nhận VietGAP và 110 ha đạt chứng nhận GlobalGAP.
Đặc biệt giá thu mua thanh long cuối mùa chính vụ năm nay cao gấp 3 lần so cùng thời điểm năm trước. Thanh long hiện nay có giá cao vì mùa chính vụ đã sắp hết, hầu hết các vườn đã sắp hết trái nên nguồn cung thấp hơn cầu. Với giá này, nông dân vùng chuyên canh thu lãi từ 300 - 350 triệu đồng/ha.
Anh Võ Phú Cường, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, trồng 0,4 ha thanh long, vừa thu hoạch 7 tấn thanh long cuối mùa với giá 24.000 đồng/kg được gần 170 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Anh cho biết, thanh long chính vụ năm nay có giá cao gấp 2-3 lần năm 2022 nên người trồng có thu nhập cao, yên tâm đầu tư cho cây thanh long, tiếp tục chăm sóc vườn để chuẩn bị cho sản xuất nghịch vụ.
GIẢI CỨU 20 CHÚ MÈO VÀ ĐÓNG CỬA CƠ SỞ GIẾT MỔ TẠI THÁI NGUYÊN
Quang Linh sản xuất
Ngày 6/12, 20 chú mèo bao gồm cả mèo trưởng thành và mèo con sắp bị giết mổ tại thành phố Thái Nguyên đã được trao cơ hội sống thứ hai khi chủ lò mổ là ông Phạm Quốc Doanh tự nguyện đóng cửa cơ sở kinh doanh của mình. Đây là kết quả sau quá trình vận động và hỗ trợ của Humane Society International Việt Nam.
Việc đóng cửa cơ sở kinh doanh của ông Doanh và giải cứu đàn mèo là một phần trong chương trình “Mô hình thay đổi – Models for change” của HSI tại Việt Nam, được triển khai lần đầu tiên tại Thái Nguyên, Việt Nam năm 2022 sau khi hoạt động thành công tại Hàn Quốc từ năm 2015. Đến nay, chương trình đã giúp đóng cửa 3 lò mổ, nhà hàng thịt chó và mèo tại Thái Nguyên.
Toàn bộ 20 chú mèo được giải cứu khỏi lò mổ của ông Doanh đã được đưa đến trạm cứu hộ động vật tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên, tại đây chúng được tiêm phòng, chăm sóc y tế và phục hồi trước khi được nhân nuôi bởi các gia đình địa phương.
Xuất khẩu tôm sang Trung Đông còn nhiều dư địa tăng trưởng
Hoài Thơ khai thác
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, trong giai đoạn từ 2019 - 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang khu vực thị trường Trung Đông có xu hướng tăng trưởng liên tục, dao động từ 41,5 - 49,8 triệu USD.
Năm 2023, kinh tế thế giới không ổn định đặt ra nhiều thách thức cho xuất khẩu thủy sản nói chung và tôm nói riêng, do đó, xuất khẩu tôm Việt sang Trung Đông cũng không tránh khỏi sụt giảm, tuy nhiên mức sụt giảm có phần nhẹ hơn so với các thị trường khác.
Tính tới tháng 10 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang khu vực thị trường này đạt hơn 39 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm nhẹ hơn so với các thị trường chính khác.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang một số thị trường trong khu vực Trung Đông ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm ngoái như: Ả Rập Saudi ghi nhận tăng gấp 42 lần (đạt 7,6 triệu USD), sang Iran ghi nhận tăng gấp 8 lần (đạt 1,7 triệu USD), sang Kuwait và Libăng ghi nhận tăng trưởng 2 con số, xuất khẩu sang Oman tăng 16 lần và xuất khẩu sang Qatar tăng 4 lần.
Nhìn chung, đây là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam, sức mua ngang với khu vực thị trường ASEAN và dư địa có thể tăng gấp 3 lần nếu được tập trung phát triển.