Thủ tướng: Thủy sản, du lịch biển là thế mạnh của Cà Mau. Xây dựng Đề án phát triển các cây công nghiệp chủ lực đến năm 2023. Tuổi trẻ ngành NN-PTNT đến với học sinh nghèo Sa Pa. Hầu hết lúa thu đông tại ĐBCSL đã được thương lái đặt cọc thu mua. Sầu riêng Đắk Lắk tạo giá trị gia tăng cao, diện tích đứng đầu cả nước.
Thủ tướng: Thủy sản, du lịch biển là thế mạnh của Cà Mau
Trọng Linh sx
Ngày 9/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư. Đây là một nội dung rất quan trọng của chuỗi sự kiện Festival tôm và diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.
Cà Mau là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, do đó Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, địa phương này có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, phát triển ngành tôm, nuôi trồng và chế biến hải sản, phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo…
Thủ tướng Chính phủ, hoan nghênh tỉnh Cà Mau đã xây dựng bản quy hoạch du lịch biển, công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư hôm nay. Qua đó tạo ra bước phát triển đột phá với quyết tâm cao, vượt qua khó khăn, thách thức, đủ bản lĩnh đi lên bằng sức mạnh nội sinh, tự lực tự cường.
Xây dựng Đề án phát triển các cây công nghiệp chủ lực đến năm 2023
Hoài Thơ khai thác
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2023, xuất khẩu cà phê của Việt đạt 80 nghìn tấn, thu về 252 triệu USD, giảm 37,9% về lượng và giảm 17,5% về giá trị so với tháng 11/2022.
Tính chung 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,38 triệu tấn, giá trị 3,54 tỷ USD, giảm 12,9% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển các cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành cà phê theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.
Tuổi trẻ ngành NN-PTNT đến với học sinh nghèo Sa Pa
Thảo Phương sx
Sáng ngày 9/12, tại điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tả Van, xã Tả Van, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai, Đoàn thanh niên Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn và tỉnh đoàn Lào Cai phối hợp cùng các đơn vị liên quan, đã tổ chức chương trình Tình nguyện mùa Đông năm 2023 và Xuân tình nguyện năm 2024.
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Tạ Hồng Sơn, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ NNPTNT chia sẻ, với phương châm “Ở đâu khó, ở đó có thanh niên” và phát huy vai trò của thanh niên tình nguyện, thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ với cộng đồng xã hội, thông qua việc thăm hỏi, trao tặng quà cho Nhà trường và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại điểm trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tả Van.
Trong khuôn khổ của chương trình, Đoàn Thanh niên Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện các đơn vị đã trao tặng 50 áo khoác, 50 bộ đồ dùng học tập, 50 dát giường, trao tặng biển công trình thanh niên sửa chữa 4 mái phòng học, 2 tấn phân bón hữu cơ, 10 tấn xi măng cùng các phần quà khác.
Hầu hết lúa thu đông tại ĐBCSL đã được thương lái đặt cọc thu mua
Theo bộ Công Thương, ngày 9/12, giá gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định.
Cụ thể tại khu vực tỉnh An Giang, cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cho thấy, giá lúa Đài thơm 8 duy trì quanh mức 9.400 – 9.700 đồng/kg; gạo OM 5451 ổn định ở mức 9.400 – 9.500 đồng/kg; gạo OM 18 ở mức 9.500 – 9.700 đồng/kg; giá lúa Nàng hoa 9 ở mức 9.200 – 9.400 đồng/kg; lúa IR 504 duy trì ổn định ở mức 8.800 – 9.000 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 - 8.800 đồng/kg.
Ghi nhận thị trường lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay, nguồn lúa Thu Đông còn lại ít, khó mua. Hầu hết diện tích lúa đã được cọc trước. Giá lúa các loại neo ở mức cao.
Sầu riêng Đắk Lắk tạo giá trị gia tăng cao, diện tích đứng đầu cả nước
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy và Quyết định của UBND tỉnh, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội cây ăn quả Đắk Lắk, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã có chuyến công tác, làm việc tại Thái Lan.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương thông tin, đoàn công tác đã tiếp xúc với 3 địa phương, nhất là tiếp xúc và làm việc với tỉnh Chanthaburi - kinh đô trái cây của Thái Lan. Qua trao đổi tại hội trường và đi thực tế, tỉnh Đắk Lắk nhận được khá nhiều bài học, kinh nghiệm từ việc quản lý, tổ chức sản xuất sầu riêng, liên kết hợp tác, tổ chức ngành hàng, xuất khẩu, mở rộng thị trường... Từ đó, ngành nông nghiệp Đắk Lắk nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những giải pháp, kiến nghị để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, hiệu quả.