Thủ tướng trao Quyết định công nhận Hải Dương hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Trà Vinh là tỉnh đầu tiên ĐBSCL được trao chứng chỉ quốc tế về nuôi nghêu. Xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương. 5 vùng trồng sầu riêng của Bà Rịa - Vũng Tàu được cấp mã.
Thủ tướng trao Quyết định công nhận Hải Dương hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Chiều 15/3, UBND tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020. Hải Dương là tỉnh thứ 5 trong toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% các xã đã đạt chuẩn NTM; 43/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. bộ mặt nông thôn đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Để có thể phát huy những kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng tỉnh Hải Dương cần tiếp tục phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, kết nối liên xã, liên huyện; nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh. Đặc biệt, tỉnh cần đổi mới tư duy, chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, từ “tìm kiếm thị trường” sang “nghiên cứu thị trường” để hướng tới “nông nghiệp đặt hàng”.
Trà Vinh là tỉnh đầu tiên ĐBSCL được trao chứng chỉ quốc tế về nuôi nghêu
Ngày 15/3, Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh phối hợp Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững cùng Liên đoàn thương mại công nghiệp Việt Nam - VCCI tổ chức “Lễ trao chứng nhận ASC và ký liên kết chuỗi giá trị nghêu tỉnh Trà Vinh”. Trà Vinh là tỉnh đầu tiên tại ĐBSCL nhận chứng chỉ quốc tế về nghề nuôi nghêu và là vùng thứ 3 tại Việt Nam được cấp giấy chứng nhận ASC. Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà cho biết, để phát triển ngành hàng nghêu theo hướng bền vững, tỉnh đã chuyển giao kỹ thuật sản xuất nghêu giống nhân tạo và ương giống cho HTX. Đồng thời, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo xác định vùng nuôi an toàn, cải tiến hoạt động xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường để cung cấp thông tin thị trường cho các chủ thể. Bên cạnh đó, tăng cường liên kết để HTX, nông dân có nguồn cung cấp giống và tiêu thụ ổn định, hợp lý.
XEM XÉT GIẢM THUẾ NHẬP KHẨU KHÔ ĐẬU TƯƠNG
Ngay sau khi Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để kiến nghị giảm thuế khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước gặp khó khăn do giá đầu ra giảm mạnh, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét sửa đổi các quy định nhằm giảm thuế nhập khẩu khô dầu đậu tương.Trước đó, Chính phủ đã có chính sách điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng lúa mì từ 3% xuống 0%, bắp giảm từ 5% xuống 2% từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đối với khô đậu tương vẫn giữ nguyên trong khi đây là mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao nhất và là nguyên liệu chính để sản xuất cám cho heo và thủy sản. Vì vậy, việc giữ nguyên mức thuế này gây áp lực rất lớn lên chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
5 VÙNG TRỒNG SẦU RIÊNG CỦA BÀ RỊA-VŨNG TÀU ĐƯỢC CẤP MÃ
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa có thông báo của Cục Bảo vệ thực vật về vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.Theo thông báo, đợt này, địa phương có 5 vùng trồng sầu riêng, với diện tích 124,2ha được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số vùng trồng.Trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ phối hợp với các địa phương, các vùng trồng tập huấn, hướng dẫn và giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát sinh vật gây hại đáp ứng quy định của nước nhập khẩu trước mỗi vụ thu hoạch hàng năm;…. Nhằm bảo đảm các điều kiện duy trì mã số, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải đồng đều về chất lượng và mẫu mã; giám sát, quản lý chặt những đối tượng sinh vật gây hại mà phía Trung Quốc quan tâm.