| Hotline: 0983.970.780

Bỏ cam trồng mía, doanh nghiệp lãi ròng 25 tỷ đồng/năm

Thứ Hai 11/12/2023 , 06:30 (GMT+7)

NGHỆ AN Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ động đưa công nghệ cao vào canh tác, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành thắng lớn nhờ bỏ cam trồng mía.

Cây mía là cứu cánh của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành những năm qua. Ảnh: Việt Khánh.

Cây mía là cứu cánh của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành những năm qua. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Lê Viết Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành khẳng định: “Cây cam một thời mang về bạc tỷ, trực tiếp giúp nhiều hộ dân làm giàu. Đó là ký ức xưa, nay trên đất Xuân Thành nói riêng và khắp huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) nói chung, trước mắt cơ bản không thể trồng cây có múi.

Trước mắt, chủ trương của Công ty là bỏ cây cam chuyển sang trồng mía, dù hiệu quả kinh tế không sánh bằng nhưng kết quả nhìn chung rất khả quan, hiện đây là hướng đi phù hợp nhất, an toàn nhất”.

Bỏ cam chuyển sang trồng mía là chủ trương hết sức đúng đắn. Ảnh: Việt Khánh.

Bỏ cam chuyển sang trồng mía là chủ trương hết sức đúng đắn. Ảnh: Việt Khánh.

Người đứng đầu doanh nghiệp Xuân Thành chia sẻ thêm, hiện diện tích trồng cây ăn quả của đơn vị chỉ còn khoảng 48ha, trong đó 12ha trồng cam, 36ha trồng quýt. Dịch bệnh tràn lan, sản lượng sụt giảm, thị trường tụt dốc khiến giá trị kinh tế của cây có múi gần như bằng không. Bù lại, đơn vị tự tin có thể sống khỏe từ cây mía nhờ nguồn lãi hàng chục tỷ đồng/năm.

Tổng diện tích trồng mía của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành hiện có 720ha, số lượng lưu gốc năm thứ 3, thứ 4 khoảng 170ha, năm 3 đổ lại có 340ha, còn lại là trồng năm đầu.

Hiện Xuân Thành đang trồng 3 giống mía, nhưng chủ lực vẫn là LK9211 do Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU) trực tiếp cung ứng. Sau quá trình thử nghiệm, LK9211 với năng suất, chất lượng vượt trội, đặc biệt là khả năng lưu gốc ấn tượng đã chiếm trọn niềm tin của nhà nông suốt 4 năm qua. LK9211 xuất hiện chính thức xua tan nỗi lo về bệnh chồi cỏ vốn hoành hành dữ dội trước đó.

Trồng mía là hướng đi phù hợp nhất, an toàn nhất lúc này. Ảnh: Quốc Toản.

Trồng mía là hướng đi phù hợp nhất, an toàn nhất lúc này. Ảnh: Quốc Toản.

Năng suất mía của Xuân Thành rất khá, đạt bình quân 110 – 120 tấn/ha, cá biệt có những điểm trồng đạt ngưỡng 140 tấn/ha. Con số này thực sự ấn tượng khi so sánh với mặt bằng chung, vốn chỉ loanh quanh 70 tấn/ha.

Xuân Thành và NASU đã bắt tay liên kết từ gần 30 năm về trước. Quãng thời gian 1996 – 1998 có thể xem là giai đoạn hoàng kim của Xuân Thành với 1.032ha mía, thu về 64.000 tấn sản phẩm/năm. Sau này khi cây cam lên ngôi, quỹ đất trồng mía có lúc giảm xuống chỉ còn 40ha, độ 3 năm trở lại đây cây mía mới trở lại đúng với vị thế vốn có.

Dự kiến năm 2023, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cung cấp cho NASU 50.000 tấn mía. Có được con số ấn tượng này một phần nhờ bộ giống tốt, thổ nhưỡng phù hợp, đan xen cơ giới hóa.

Năm 2023, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cung cấp cho NASU 50.000 tấn mía. Ảnh: Quốc Toản.

Năm 2023, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành cung cấp cho NASU 50.000 tấn mía. Ảnh: Quốc Toản.

“Trước đây người trồng mía rất vất vả, phải cày đất, rạch rãnh, rải mía, bỏ phân, cuốc đất, tưới nước... chủ yếu theo phương pháp thủ công, bây giờ máy móc làm tất, sức người cơ bản được giải phóng, thành thử nông dân bây giờ nhàn lắm. Chi phí bón phân khoảng 1,2 triệu/ha, công bốc mía khoảng 40.000 đồng/tấn, một máy có thể bốc được khoảng 200 tấn/ngày. Chi phí dùng máy khi thu hoạch mía chỉ khoảng 170.000 đồng/tấn, trong khi chặt mía bằng tay tốn 220.000 đồng/tấn. Áp dụng công nghệ vừa rẻ vừa năng suất, tội gì không làm.

Toàn vùng có khoảng 15 máy bay không người lái để phục vụ phun thuốc, giao dịch rất sòng phẳng, không hiệu quả không trả tiền, do đó chất lượng thuốc phải tốt, phương tiện phun trừ phải chuẩn”, ông Lê Viết Minh nhấn mạnh.

Cơ giới hóa trong sản xuất mía đang mang lại thành công ngoài mong đợi. Ảnh: Việt Khánh.

Cơ giới hóa trong sản xuất mía đang mang lại thành công ngoài mong đợi. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Vũ Hữu Liên, trú tại xóm Minh Kính, xã Minh Hợp (huyện Quỳ Hợp) hồ hởi: “Trước đây gia đình tôi có 4ha trồng cam và cao su, diễn biến về sau ngày càng bết bát buộc phải phá bỏ 100% diện tích. Chuyển sang trồng mía nhàn tênh, trồng đầu năm cuối năm thu hoạch, xong xuôi lưu gốc chờ vụ kế tiếp. Cây mía phù hợp với đất này nên sinh trưởng ổn định, sản lượng bình quân đạt 100 tấn/ha, mỗi năm thu về trên dưới 250 triệu đồng”.

“Lợi nhuận trồng mía của Công ty đạt khoảng 60 – 70 triệu đồng/ha, trừ chi phí hàng năm lãi tầm 25 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế rất đồng đều, cơ bản không có sự chênh lệch giữa các hộ trồng, nhờ đó tính ổn định được duy trì. Kế hoạch năm 2024, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mía thêm 200ha, trong những năm tới cây mía giữ vai trò tiên quyết”, ông Lê Viết Minh, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Xuân Thành chốt lại.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm