Thực hiện các quy định của Luật Trồng trọt khả thi, hợp lý. Xuất khẩu cá tra năm 2022 đạt trên 2,4 tỷ USD. Kon Tum đề xuất nâng phí dịch vụ môi trường rừng. Sạt lở ngày càng nghiêm trọng tại Cà Mau.
THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TRỒNG TRỌT KHẢ THI VÀ HỢP LÝ
Sáng nay (14/12), Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với báo Nông nghiệp Việt Nam, Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo triển khai luật trồng trọt và một số văn bản hướng dẫn luật trồng trọt.Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt, Luật trồng trọt có hiệu lực từ 1/1/2020 được thông qua với số phiếu rất cao, đạt khoảng 98%. Tuy nhiên, khi chuyển đổi cơ chế quản lý thì sẽ có những vướng mắc từ hệ thống pháp luật cũ và mới không đồng nhất do chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng giữa các đơn vị. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm sớm điều chỉnh để việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Trồng trọt được thuận lợi, khả thi, hợp lý.
XUẤT KHẨU CÁ TRA NĂM 2022 ĐẠT TRÊN 2,4 TỶ USD
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước ĐBSCL, ngành hàng cá tra nước ta không ngừng phát triển và đã trở thành ngành công nghiệp cá tra nổi tiếng toàn cầu với sản lượng hàng năm vượt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD. Sản phẩm cá tra Việt Nam đã xuất khẩu sang khoảng 138 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 350 cơ sở nuôi cá tra với diện tích trên 3.100 ha được cấp giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Tính đến ngày 15/11/2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra đã đạt 2,23 tỷ USD. Theo dự kiến, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2022 sẽ đạt trên 2,4 tỷ USD và được xem là đỉnh cao nhất trong lịch sử của ngành hàng này.
KON TUM ĐỀ XUẤT NÂNG PHÍ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG
Rừng Tây Nguyên có vai trò đặc biệt xung yếu trong việc giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, hạn hán, cũng như lũ lụt gây ra trong vùng. Đây cũng là vùng đang có nhiều nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng của các nhà máy thủy điện hiện rất thấp, chỉ 36 đồng/2.000 đồng/kW điện thương phẩm (bằng 1,8%).Về vấn đề nay, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu điều chỉnh tăng lên tối thiểu 100 đồng/kW, tương đương 5% giá trị thương phẩm của 1 kW điện. Theo tính toán, khi tăng mức chi trả tăng lên như vậy, diện tích rừng hiện có của các tỉnh Tây Nguyên sẽ cải thiện nguồn thu bình quân tối thiểu mỗi năm khoảng trên 2.555 tỷ đồng (tăng hơn 1.630 tỷ đồng so với hiện nay). Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù để ưu tiên bố trí nguồn vốn, lãi suất và thời hạn vay vốn để các tỉnh Tây Nguyên thực hiện đầu tư trồng rừng, phát triển rừng đạt hiệu quả.
SẠT LỞ NGÀY CÀNG NGHIÊM TRỌNG TẠI CÀ MAU
Cà Mau được xem là địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất về sạt lở bờ biển và bờ sông tại khu vực ĐBSCL. Tính từ đầu năm đến nay đã có khoảng 106 vị trí trên sông sạt lở với chiều dài hơn 2,2 km, còn sạt lở bờ biển có hơn 254km đang trong tình trạng nguy hiểm do sóng biển đập vào đai rừng phòng hộ hàng ngày, hàng giờ.Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Năm Căn, Ngọc Hiển là những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nguyên nhân là do biên độ nước với chiều cường cao nên dòng nước chảy rất mạnh gây ra sạt lở tại các bờ sông, bờ biển. Hiện nay, tại Cà Mau mỗi năm sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 30 - 40m, có những điểm hơn 50 m. Trung bình mỗi năm tỉnh này mất khoảng 300 đến 400 hecta đất và rừng phòng hộ ven biển.Tỉnh Cà Mau có 3 mặt tiếp giáp với biển với chiều dài hơn 250km nhưng đến thời điểm này, chỉ có khoảng 20% chiều dài bờ biển được đầu tư nâng cấp hệ thống đê. Với nguồn lực và tiến độ như hiện nay, phải mất khoảng 40 năm nữa, Cà Mau mới hoàn thành việc nâng cấp đê biển.