Lễ hội cá tra lần thứ Nhất dự kiến thu hút 50.000 khách tham dự. Năm 2022 xuất khẩu cà phê Việt Nam có thể đạt mốc 4 tỷ USD. Nhà vườn Ninh Thuận tất bật chăm sóc, thu hoạch nha đam sau ngập úng. Giá thịt dê ở Tiền Giang giảm 30 - 35%.
LỄ HỘI CÁ TRA LẦN THỨ NHẤT DỰ KIẾN THU HÚT 50.000 KHÁCH THAM DỰ
Chiều 13/12, Bộ NN-PTNT tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội cá Tra lần thứ Nhất năm 2022 với chủ đề “Vươn ra biển lớn”, lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 16 đến 17/12/2022, tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, dự kiến thu hút khoảng 50.000 người tham dự là các đối tác ngành hàng cá tra, du khách trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, để phát triển bền vững ngành hàng cá tra cần nhiều giải pháp đồng bộ, như: việc liên kết, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng cá tra giữa người nông dân và doanh nghiệp; quy hoạch vùng sản xuất, cơ sở chế biến cá tra; ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao hiệu quả, chất lượng và an toàn thực phẩm của các sản phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Lễ hội cá Tra là hoạt động hướng đến duy trì tổ chức hằng năm để xây dựng hình ảnh Thủ phủ cá Tra - Hồng Ngự; quảng bá, tri ân nghề nuôi cá Tra - một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
NĂM 2022 XUẤT KHẨU CÀ PHÊ VIỆT NAM CÓ THỂ ĐẠT MỐC 4 TỶ USD
Mùa vụ thu hoạch cà phê đang tới gần với sản lượng dự kiến tăng khá, nếu nắm bắt tốt cơ hội từ thị trường, dự báo xuất khẩu càphê năm nay của Việt Nam có thể thiết lập mốc kim ngạch 4 tỷ USD.
Theo Bộ NNPTNT, xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đạt gần 3,1 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đặc biệt là sự tăng trưởng này có sự đóng góp của giá xuất khẩu với mức tăng gần 22% và đạt trung bình khoảng 2.280 USD/tấn.
Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 39% tổng khối lượng xuất khẩu trong 8 tháng, đạt gần 490.700 tấn với giá trị 1,1 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng trên 27% về lượng và trên 54% về giá trị.
Hiện năng suất càphê của Việt Nam cao gấp hơn 3 lần (2,8 tấn/ha) so với năng suất cà phê trung bình của thế giới (0,8 tấn/ha).
NHÀ VƯỜN NINH THUẬN TẤT BẬT CHĂM SÓC, THU HOẠCH NHA ĐAM SAU ĐỢT NGẬP ÚNG
Theo UBND phường Văn Hải, từ giữa tháng 11 đến cuối tuần qua có nhiều ngày mưa lớn liên tục đã khiến trên 153 ha cây trồng bị ngập úng; trong đó, nha đam là cây trồng chủ lực thì có tới 57,2 ha bị thiệt hại trên tổng số 83 ha.
Trong quá trình ngập, UBND phường Văn Hải thành lập các tổ công tác xuống địa bàn cùng bà con nông dân huy động 20 máy bơm hút nước liên tục. Sau nhiều ngày có một số diện tích đã rút nước nhưng do ngập úng lâu ngày nên cây trồng không khôi phục được.
Để chủ động đối phó với tình hình mưa lũ, bảo vệ và khôi phục sản xuất đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp Tết Nguyên đán sắp đến, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành phố sẵn sàng biện pháp tiêu úng khu vực trũng thấp, khu dân cư, khu công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp.
GIÁ THỊT DÊ Ở TIỀN GIANG GIẢM TỪ 30 - 35%
Các chủ trang trại nuôi dê ở xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông cho biết, Dê thịt hiện đang được thương lái đến mua tận chuồng từ 85.000 - 90.000 đồng/kg giảm từ 30 - 35% so với năm trước. Với giá này, người chăn nuôi sẽ lỗ từ 700.000 đồng - 1 triệu đồng/con vì thức ăn cho dê tăng cao.
Trước tình hình giá dê thịt đang giảm, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân nên cân nhắc khi tái đàn để tránh bị thua lỗ. Ngoài ra, người chăn nuôi nên tăng cường nguồn thức ăn từ thiên nhiên như lá so đũa, cỏ, lá mít, hạn chế cho dê ăn thức ăn để giảm chi phí đầu vào.
Tỉnh Tiền Giang hiện có tổng đàn dê khoảng 160.000 con, tập trung nhiều tại các huyện, thị ven biển như huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công; trong đó, lớn nhất là huyện Gò Công Đông có tổng đàn gần 60.000 con.