Khoảng 9.000 tàu cá chưa đăng ký giấy phép hoạt động. Nhiều khuyến nghị về phồng chống dịch tả lợn Châu Phi. Kiên Giang: Linh hoạt đóng - mở cụm cống Cái Lớn, Cái Bé. Nông dân Quảng Bình thi lái máy cày giỏi.
BẢN TIN CHIỀU NGÀY 17 THÁNG 10 NĂM 2024
KHOẢNG 9.000 TÀU CÁ CHƯA ĐĂNG KÝ GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG
Thực hiện: Trọng Linh, Phạm Huy
Hôm nay 17/10, tại Cà Mau, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Chính phủ làm việc với một số tỉnh về công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị đợt kiểm tra lần thứ 5 của Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 11 tới.
Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 61 tàu cá với 618 ngư dân bị bắt giữ vì vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, con số này tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tàu cá vi phạm chủ yếu bị bắt giữ tại các vùng biển của Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc bảo vệ các khu vực sinh sản của loài thủy sản và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế là yêu cầu cấp bách mà các quốc gia phải đối mặt. Phó Thủ tướng cho rằng, ngoài việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, hiện nay còn khoảng 9.000 tàu cá chưa đăng ký giấy phép hoạt động, gây khó khăn trong việc quản lý.
NHIỀU KHUYẾN NGHỊ VỀ PHỒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI
Thực hiện: Thanh Thủy- Tiến Thành
Nhằm cải thiện công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Việt Nam, Cục Thú y, Viện Thú y ( Bộ NN và PTNT) cùng với Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức hội thảo “Từ nghiên cứu đến chính sách”. Hội thảo được kỳ vọng sẽ xây dựng một số khuyến nghị hành động cho Kế hoạch Quốc gia về Phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) giai đoạn 2026 - 2030. Lãnh đạo ILRI, kêu gọi các nhà nghiên cứu tiếp tục cung cấp dữ liệu khoa học cho các cơ quan có thẩm quyền, nhằm đóng góp cho hệ thống nông nghiệp bền vững và có khả năng chống chịu tốt hơn. Về phía Bộ NN-PTNT, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long khẳng định, để kiểm soát hiệu quả dịch tả lợn Châu phi, sự phối hợp giữa nhà quản lý và giới khoa học là rất quan trọng để đảm bảo các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ động bảo vệ đàn vật nuôi của mình.
DTLCP là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên lợn, đã được Bộ NN-PTNT phân loại là dịch bệnh, gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Hội thảo kỳ vọng thu hẹp khoảng cách giữa nghiên cứu và chính sách, tập trung chia sẻ các kết quả nghiên cứu mới nhất liên quan đến phòng, chống DTLCP cả trong và ngoài nước.
Từ ngày 17-22/10, tại Kiên Giang Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam vận hành cụm cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô hỗ trợ tiêu rút nước, kiểm soát triều cường, giảm ngập, lụt cho nhiều tỉnh vùng ĐBSCL.
Theo đó, đối với cống Cái Lớn, sẽ vận hành đóng linh hoạt từ 5, 7 hoặc 9 trên 11 cửa van.. Cống Cái Bé, đóng hoàn toàn 2/2 cửa van, thời gian đóng đồng thời với cống Cái Lớn và mở sau 60 phút khi mở van cống Cái Lớn. Cống Xẻo Rô, tùy theo tình hình thực tế, sẽ đóng, mở khi địa phương có yêu cầu. Đợt vận hành linh hoạt lần này nhằm ứng phó với đợt triều cường kết hợp lũ đầu nguồn, lũ nội đồng và ngập úng, lụt do mưa lớn diện rộng. Ngoài ra, khi vận hành sẽ hỗ trợ tiêu úng, giảm ngập lụt để phục vụ thu hoạch lúa hè thu, sản xuất lúa thu đông 2024, lúa vụ mùa 2024-2025, nuôi trồng thủy sản và dân sinh kinh tế các tỉnh ĐBSCL.
NÔNG DÂN QUẢNG BÌNH THI LÁI MÁY CÀY GIỎI
Thực hiện: Tâm Phùng - Tâm Đức
Hội Nông dân thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức hội thi máy cày nhanh, cày đẹp. Hội thi đã thu hút 11 nông dân, chủ của 11 máy cày tham dự. Những nông dân là thí sinh đã vững tay lái phô diễn kinh nghiệm tích lũy trong quá trình sản xuất nông nghiệp, các kỹ năng lái máy, đường cày, đường lượn để máy bó gốc ruộng được sát hơn…Ban Tổ chức chọn nông dân tham gia có thành tích cày hết diện tích nhanh nhất, luống cày đẹp, cày sâu, đều…để trao giải chiến thắng. Ông Trần Văn Tứ, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch cho biết đây là lần đầu địa phương tổ chức hội thi lái máy cày giỏi trên cánh đồng nhằm tạo ra sân chơi bổ ích, tôn vinh sự cần cù, khéo léo của nông dân địa phương.