| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển: Chỉ còn nước mắt & nợ nần: [Bài 3] Những tỷ phú phút chốc sạt nghiệp

Thứ Tư 18/09/2024 , 06:34 (GMT+7)

Sau bão số 3, xã Hoàng Tân - thủ phủ nuôi biển của thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh - là đống hoang tàn, đổ nát và những phận người đang sống trong sợ hãi.

Bến Giang hoang tàn. Ảnh: Hoàng Anh.

Bến Giang hoang tàn. Ảnh: Hoàng Anh.

Bến Giang những ngày sau cơn bão số 3 quái ác. Trần Trọng Tuấn, một thanh niên tiên phong nuôi biển ở xã đảo Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh vẫn ngồi đó, giữa bối cảnh xung quanh cũng rất tan nát, dường như khó có thể hoang tàn hơn được nữa, với vẻ mặt vô hồn. Lồng bè nuôi biển, nhà cửa, tàu thuyền bị bão đánh tan tành, theo luồng nước dạt vào bờ bãi, chất thành đống cao như núi. Một vài chiếc thuyền chài đi lại của người dân còn bị sóng đánh văng lên bờ, nát tươm.

Tuấn nói mà như chực khóc: Trước bão em đã nhận cọc của chủ hàng bên Trung Quốc cả tỷ đồng. Tưởng đâu vài ngày nữa sẽ được thu và chuyển sang cho họ, ai ngờ bão nó cướp sạch, chẳng còn một cái gì.

Mất sạch sành sanh chỉ trong chớp mắt

Từ trung tâm thị xã Quảng Yên hướng nhìn ra đảo Tuần Châu và vịnh Hạ Long, xã đảo Hoàng Tân trông giống như một doi đất trồi lên giữa mênh mông đầm vịnh Yên Lập và hòn Cái Bè. Với diện tích rộng hơn 4.000ha, già nửa số đó là mặt biển, tự bao đời nay, người Hoàng Tân tiếp nối nhau kiên gan bám biển, sống nhờ vào biển.

Cứ ngỡ đã quá quen với sóng gió, thiên tai, thuộc làu từng con nước, vậy mà cơn bão hung ác lần này khiến hơn 1.000 hộ dân, xấp xỉ 4.000 nhân khẩu trở tay không kịp. Cả một vùng biển, đã được tỉnh Quảng Ninh quy hoạch chỉnh tề và đang từng bước triển khai các thủ tục cấp phép nuôi biển, phút chốc thành tan nát.

Vùng nuôi biển Hoàng Tân sau bão số 3. Ảnh: Hoàng Anh.

Vùng nuôi biển Hoàng Tân sau bão số 3. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Đàm Chí Thiết, cán bộ tăng cường từ thị xã Quảng Yên xuống làm Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Tân thảng thốt: Bao nhiêu năm chính quyền và bà con gom góp xây dựng, một trận bão qua tanh bành hết cả. 1.040 căn nhà tốc mái, trường học, trụ sở ủy ban, trung tâm văn hóa xã tan hoang. Nặng nề nhất là nuôi trồng thủy sản, 2.016 bè nuôi hà, nuôi hàu đại dương, 36 đầm nuôi cá mất trắng, toàn bộ khu vực ngoài đê hầu như sạt nghiệp.

Thê thảm nhất là hơn 281 chủ hộ nuôi hàu, hà trong xã và chủ nuôi từ nơi khác kéo về. Vùng biển này, nhờ lợi thế cửa sông, diện tích lớn và độ mặn phù hợp nên khoảng hơn 10 năm trước nghề nuôi hàu, hà đại dương ở Hoàng Tân nói riêng và nhiều xã khác ở thị xã Quảng Yên trở thành “mỏ vàng” dưới biển. Bao nhiêu gia đình khá giả, xây nhà lầu, biệt thự, sắm sửa xe cộ cũng đều nhờ nuôi trồng thủy sản. Năm trước được thì năm sau lại mở rộng diện tích, đầu tư lồng bè, mua thêm giống. Sổ đỏ, tài sản giá trị trong nhà đều mang đi gửi ngân hàng để "tất tay với biển".

"Chuyến này thì mất hết chẳng còn gì", Bí thư xã Hoàng Tân mắt quầng thâm do nhiều ngày trực bão nói bằng giọng thiểu não. "Nhà nuôi ít mất một vài tỷ, nhà nhiều 'đi' cả mấy chục tỷ đồng, tất cả chỉ trong nháy mắt".

Hôm bão số 3 vừa tan, cán bộ xã và lực lượng cứu hộ đi đến từng dân để hỗ trợ dọn dẹp cây cối, sửa sang nhà cửa, khắc phục hậu quả nhưng hầu hết hộ nào cũng như người mất hồn. Tâm trí họ đang để hết ngoài biển, tất tật gia sản đầu tư ra ngoài ấy, giờ đi sạch sẽ, vừa tiếc của vừa lo ngân hàng siết nợ nên chẳng còn ai dám nghĩ đến ngày mai sẽ như thế nào. Thống kê sơ bộ, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại cho thị xã Quảng Yên trên 2.305 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại tài sản của người dân chủ yếu là nuôi trồng thủy sản, với gần 2.100 tỷ đồng.

"Nếu không có chính sách cho dân giãn nợ, khoanh nợ, chắc là chục năm nữa cũng không phục hồi nổi", Bí thư xã Hoàng Tân khẩn khoản.

Ông Trần Văn Hoan, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Trần Huy. Ảnh: Tiến Thành.

Ông Trần Văn Hoan, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Trần Huy. Ảnh: Tiến Thành.

Trong số những hộ dân nuôi biển bị bão cướp sạch ở xã Hoàng Tân, gia đình ông Trần Văn Hoan (64 tuổi) chịu thiệt nặng nề nhất. Suốt mấy ngày sau bão, ông chồng cứ ngồi rít thuốc lá, mắt nhìn ra cửa vô hồn như thể người ngây dại.

Mặc cho căn nhà bị bão thổi bay mất mái, mặc cho cây cối trước sân, trong vườn bị bão quật đổ ngổn ngang, cũng không tâm trí nào dọn dẹp. Còn bà vợ, hết khóc đứng lại khóc ngồi, rồi lăn ra ốm. Từ một gia đình kinh tế khá giả thuộc tốp đầu trong xã, bây giờ không khí gia đình lúc nào cũng như đưa đám. Toàn bộ 8 vạn dây hàu đại dương bây giờ chỉ còn lại hình ảnh trong chiếc điện thoại mà ông Hoan vừa mới chụp hôm bão chưa vào.

Mới đầu tháng 8 rồi, giọng ông Hoan khó nhọc, chủ hàng bên Trung Quốc vừa sang đặt cọc 1 tỷ đồng cho 2 cặp bè nuôi hàu đại dương, hẹn giữa tháng 9 dương lịch sẽ sang lấy về bán Tết Trung thu. Ai dè bão vào cuốn đi sạch sẽ, không chỉ mấy cặp bè đến tuổi xuất bán mà bè vừa thả, bè nuôi được 1-2 năm cũng mất nốt. Tổng cộng 20 cặp bè, 32.000m2 nuôi hàu tan theo bọt biển. Mặc dù chuẩn bị sẵn tinh thần bão vào sẽ có mất mát, nhưng không ngờ lại mất nặng đến như thế.

Lúc bão vừa quét qua, mấy hộ nuôi cùng ở trong hợp tác xã rủ nhau chạy xuồng ra khu vực nuôi ngoài khu Nhà Đèn xem thử, chỉ nhìn thấy một màu trắng xóa. Lượn xuồng tiếp thêm 2 ngày nữa vẫn không tìm ra vết tích, phải đến ngày thứ ba mới tìm được một ít dây hàu còn sót nhưng đã bị bão đánh rách bươm xơ mướp, không thể nào cứu vãn.

Ông nuôi hàu chết hàu, ông nuôi cá chết cá. Xác cá, xác hàu dạt vào bãi bờ chất đống cao như núi, bốc mùi tanh nồng nặc cả một vùng. Mấy ông chán nản thất thểu đi về. Nhưng vừa đến nhà đã nhìn thấy số điện thoại của chủ hàng từ bên Trung Quốc liên tục gọi. Chả biết hỏi thăm hay đòi tiền mà người cứ ớn lạnh hết cả lên, đến giờ vẫn còn chưa dám nghe máy.

Tan nát biển Hoàng Tân. Ảnh: Tiến Thành.

Tan nát biển Hoàng Tân. Ảnh: Tiến Thành.

“Dân Hoàng Tân nuôi hàu theo kiểu thả dây treo. Mỗi một dây như thế 12kg, bán với giá 200 nghìn đồng. Nhà tôi làm 8 vạn dây, mất toi hơn 16 tỷ đồng. Đau ở chỗ, hàu năm nay đẹp hơn năm ngoái, giá thấp nhất cũng phải tầm 17 nghìn đồng/kg, tiền tỷ ngỡ cầm chắc trong tay bây giờ lại hóa thành con nợ”, ông Hoan chán ngán.

7 thành viên khác trong Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Trần Huy cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Khác chăng chỉ mất ít hay nhiều. “Mấy tháng trước cũng có người định bán, nhưng lúc ấy hàu đang độ đẹp, 1 cặp bè 1.600m2 bán được 600 - 700 triệu đồng, nhưng nếu để thêm vài tháng sẽ lên được tầm 1 - 1,2 tỷ, ai cũng ham thế là giờ mất trắng”, ông Nguyễn Văn Bình, một người nuôi hàu trong Hợp tác xã Trần Huy đau khổ.

Thảm họa mà ông Bình ví như một cú đấm nốc ao khiến người nuôi biển ngã quỵ, giờ đứng lên còn khó chứ đừng nói là cơ hội làm lại. Nuôi càng sớm, diện tích càng nhiều, chết càng kỹ. Ai cũng bảo còn người còn của, là cách nói động viên nhau thế thôi, chứ đặt vào hoàn cảnh “trắng bãi” của người nuôi biển Hoàng Tân hiện tại mới hiểu cảm giác sống không bằng chết nó như thế nào.

Thành viên Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Trần Huy cũng không ngần ngại tiết lộ thêm, hiện gia đình đang nợ ngân hàng hơn 5 tỷ đồng, thôi thì thiên tai đành phải chịu, cả làng cả xã đều sạt nghiệp hết cả chứ riêng gì nhà mình.

Gia sản chỉ còn lại trong điện thoại. Ảnh: Tiến Thành. 

Gia sản chỉ còn lại trong điện thoại. Ảnh: Tiến Thành. 

Không dám nghĩ ngày mai

Trở lại với câu chuyện của Trần Trọng Tuấn, một thanh niên dám nghĩ dám làm của xã Hoàng Tân. Tuấn là người đầu tiên thành lập doanh nghiệp nuôi biển quy mô ở Hoàng Tân từ năm 2015. Trước khi bão số 3 vào, anh vừa sở hữu 10 cặp bè hàu đại dương và tham gia quản lý 26 cặp bè cho 2 doanh nghiệp khác ở khu vực Lạch Tượng.

Mở điện thoại cho tôi xem hình ảnh các cặp bè trước và sau bão, Tuấn nói, bây giờ không khác gì bãi chiến trường ngổn ngang. Cả 2 công ty thiệt hại sau bão tầm khoảng 30 tỷ đồng, còn cá nhân Tuấn chỉ chừng 4-5 tỷ đồng. Bão số 3 đã biến các “điển hình tiên tiến” thành con nợ chỉ trong tích tắc.

“Tiền đầu tư nuôi biển chủ yếu vay họ hàng hai bên, bao nhiêu sổ đỏ của vợ chồng, nhà cửa của bố mẹ đẻ đang ở cũng mang đi cầm cố ở ngân hàng rồi, gặp cơn bão này không biết đến bao giờ mới có thể 'nhổ' ra được”, điển hình tiên tiến của xã Hoàng Tân ngậm ngùi.

Không có thời gian để ngồi tiếc của, hằng giờ, Tuấn đều phải chạy xuồng ra Lạch Tưởng. Bởi vì ngoài đó bây giờ lồng bè, nhà nổi bị bão quật xoắn lại với nhau, không còn nhận ra của ai với ai. Chưa kể, lợi dụng thiên tai, nhiều người nơi khác đến “hôi của”, tranh thủ vớt cá, vớt hàu một phần, còn lại là cắt phao, chiếm bè, tranh cướp nhau loạn xạ. Các chủ lồng bè muốn thuê người ra giữ lại tài sản cũng khó vì không còn tiền để trả nhân công.

“Ông chủ thành làm thuê, còn làm thuê giờ cứ đi vớt vát bè hàu, bè cá sau bão có khi lại thành ông chủ. Chỉ riêng câu cá song, cá chim, cá giò sổng ra từ khu nuôi lồng bè mỗi ngày cũng kiếm cả chục triệu đồng. Thành thử, đứng ở Bến Giang tầm này, sẽ thấy người thì khóc, người thì cười ha hả, trông chả ra làm sao”, Tuấn cười chua chát.

Chung cảnh ngộ “tan nát hết” với Trần Trọng Tuấn là nhiều thanh niên khởi nghiệp, nhiều đại gia nuôi biển khác các xã Hoàng Tân, Tân An, Hà An và các xã có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn ở thị xã Quảng Yên. Những người tiên phong nuôi biển còn chưa kịp hoàn hồn với mất mát sau bão lại đang phải với đối mặt với nạn “hôi của”. Thậm chí theo lời Tuấn, ở một số vùng nuôi còn có tình trạng “dân xã hội” ở trên bờ kéo xuống, chiếm bè, lồng nuôi của các hộ dân, tranh cướp nhau cực kỳ phức tạp.

Ông Đinh Văn Bảo, người nuôi biển ở Hiệp Hòa. Ảnh: Hoàng Anh.

Ông Đinh Văn Bảo, người nuôi biển ở Hiệp Hòa. Ảnh: Hoàng Anh.

Chiều Bến Giang, khu vực giáp ranh giữa xã Hoàng Tân, xã Tân An và xã Hiệp Hòa, tôi gặp mấy ông bà già ngồi bần thần nhìn ra cửa biển. Ngoài ấy, con cái họ đang cố vớt vát những gì còn sót lại nhưng xem chừng chẳng ăn thua. “Nhà nào may mắn lắm thì mười phần còn một, đa số đã mất trắng”, ông Đinh Văn Bảo (75 tuổi), người ở thôn 6 xã Hiệp Hòa, tổng kết.

Nhà ông Bảo, cũng như nhà khác, cả 2-3 thế hệ cùng nuôi biển. Vốn ít thì đầu tư dăm bảy trăm triệu, vốn nhiều là 5-7 tỷ đồng. Khi bão vào, đáng ra lồng bè nuôi cá song và cá chim của gia đình ông ở sát khu vực đầm sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều. Nhưng bão to quá, gió quật bè hàu từ ngoài vịnh dồn vào chất đống lên cả bè cá và khu nhà nổi. Mất toi gần 2 tỷ đồng.

“Cả đời tôi chưa thấy cơn bão nào khủng khiếp đến thế. Mình già rồi, hiện còn nợ ngân hàng hơn nửa tỷ, cứ kệ thôi. Còn đám con cái, không biết bao giờ chúng nó mới gượng dậy nổi”, ông lão 75 tuổi vừa nói mắt vừa ngấn lệ.

Xem thêm
Gần 200 học viên tham gia lớp đào tạo nuôi biển công nghiệp

KHÁNH HÒA Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho rằng, việc trang bị kiến thức để bước vào ngành công nghiệp nuôi biển một cách bài bản là rất cần thiết.

Bình Thuận hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh VMS tàu cá

Tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ vệ tinh thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá trên địa bàn nhằm giúp ngư dân bớt khó khăn, gỡ ‘thẻ vàng’.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.