Treo ao tôm vì càng nuôi càng lỗ. Giá mủ cao su trong nước phục hồi. Phát triển du lịch từ nghề gác kèo ong. Cao điểm vụ đông xuân, giá urê ổn định.
Treo ao nuôi tôm vì càng nuôi càng lỗ
Quốc Toản
Xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa có 250ha nuôi trồng thủy sản. Trong đó, 100ha nuôi theo hướng công nghiệp và 50ha nuôi trong nhà màng, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng.Toàn xã Hoằng Yến có xấp xỉ 30hanuôi tôm thẻ chân trắng không xuống giống trong vụ đông năm nay, do càng nuôi càng lỗ. Theo lãnh đạo UBND xã Hoằng Yến, năm nay, thời tiết bất thường, dịch bệnh xuất hiện nhiều, trong khi giá tôm xuống thấp, chi phí vận hành tăng cao. Người nuôi vì thế không còn mặn mà xuống giống vụ đông. Một số hộ dân khác do còn vốn để tái để đầu tư nên đã chuyển nhượng ao nuôi để gỡ vốn sau vụ hè thu thất bát.
GIÁ MỦ CAO SU TRONG NƯỚC PHỤC HỒI
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, giá cao su trong nước sẽ tiếp tục tăng như tháng 10 nhờ triển vọng từ các biện pháp kích thích kinh tế mới tại Nhật Bản và Trung Quốc. Hiện nay, tại các công ty cao su, giá mủ nước đang được thu mua trong khoảng 310 đồng một độ.Đà tăng của giá cao su tiếp tục được hỗ trợ nhờ các hoạt động sản xuất dần khởi sắc, giúp giảm tồn kho cao su. Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp xe điện, cũng tác động tích cực lên tổng cầu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Phát triển du lịch từ nghề gác kèo ong
Văn Vũ
Gác kèo ong là một trong những nghề truyền thống của cư dân rừng tràm U Minh, Cà Mau. Nghề được lưu truyền qua nhiều thế hệ và hiện nay còn khoảng 150 người theo nghề. Với diện tích 35.000 ha, Rừng U Minh Hạ có sản lượng mật ong lên tới 1.000 tấn mỗi năm, tiềm năng khai thác và tái tạo là vô cùng lớn.Nghề gác kèo ong không chỉ có giá trị về kinh tế, là nguồn thu nhập nuôi sống bao gia đình bao thế hệ mà còn là nghề mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, có sức sống bền bỉ, gắn chặt với rừng tràm và tồn tại hàng trăm năm qua. Hiện nay, nghề gác kèo ong đã trở thành một sản phẩm du lịch được các khu du lịch sinh thái ở Cà Mau tổ chức thực hành để phục vụ du khách.
Cao điểm vụ đông xuân, giá urê ổn định
Nhu cầu tiêu thụ phân đạm ure trong nước dự kiến sẽ tăng nhanh vào cuối tháng 11, nửa đầu tháng 12 tới đây khi Đồng bằng Sông Cửu Long bước vào cao điểm vụ Đông Xuân. Ông Phùng Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, hiện Trung Quốc vẫn duy trì chính sách hạn chế xuất khẩu urê, Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen và xung đột Israel-Palestine vẫn diễn biến phức tạp nên giá phân urê có thể biến động.Trên thị trường quốc tế, so với mức đáy được thiết lập hồi tháng 6/2023, giá phân urê xuất khẩu hiện nay tại Ai Cập và Trung Đông đã tăng 46%; trong khi đó, giá tại khu vực Biển Đen đã tăng 31%.Tuy nhiên, với nguồn cung urê ổn định từ 4 doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu phân urê cho sản xuất nông nghiệp cao điểm vụ Đông Xuân sẽ được đáp ứng hoàn toàn và giá phân bón có thể biến động theo giá thế giới nhưng trong tầm kiểm soát.