| Hotline: 0983.970.780

Bắc Kạn trồng rừng vượt kế hoạch năm 2024

Thứ Năm 18/07/2024 , 09:59 (GMT+7)

Dù gặp bất lợi do hạn hán thời điểm những tháng đầu năm, nhưng đến nay, diện tích trồng rừng của tỉnh Bắc Kạn đã vượt kế hoạch cả năm.

Bắc Kạn là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, đạt hơn 73% năm 2023. Ảnh: Ngọc Tú. 

Bắc Kạn là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước, đạt hơn 73% năm 2023. Ảnh: Ngọc Tú. 

Năm 2024, huyện Na Rì có kế hoạch trồng 500ha rừng, trong đó có 200ha cây phân tán, 280ha trồng rừng sau khai thác và 20ha rừng tập trung theo dự án. Đến hết tháng 6/2024, huyện Na Rì đã trồng rừng vượt kế hoạch.

Ông Hà Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Quang Phong (huyện Na Rì) cho biết, để hoàn thành kế hoạch trồng rừng, ngay từ đầu năm xã đã yêu cầu rà soát diện tích đất trống, đồi trọc, diện tích rừng đến tuổi khai thác để yêu cầu các chủ rừng đẩy nhanh việc khai thác, sau đó trồng lại rừng ngay.

Tại huyện Chợ Mới, năm 2024 được giao trồng 895ha rừng, để hoàn thành mục tiêu, huyện yêu cầu các xã, thị trấn, kiểm lâm địa bàn rà soát quỹ đất, tận dụng các ví trí, khu vực phù hợp để tập trung trồng ngay từ đầu năm. Huyện cũng thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, kịp thời đưa ra khuyến cáo cho người dân thời điểm trồng thích hợp, nhờ đó huyện đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng, tỷ lệ cây sống đạt cao.

Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn có kế hoạch trồng 3.485ha, đến hết tháng 6 toàn tỉnh trồng được 3.811ha rừng, đạt 109% kế hoạch, trong đó có 2.887ha rừng trồng tập trung, 923ha trồng rừng phân tán. Đáng chú ý, một số huyện trồng rừng trồng vượt kế hoạch như Na Rì, Pác Nặm, Ngân Sơn, Chợ Mới.

Ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Kạn cho biết, do ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán, những tháng đầu năm việc trồng rừng gặp khó khăn, một số diện tích cây trồng bị chết, người dân phải trồng lại. Từ tháng 5 trở lại đây, mưa nhiều nên bà con tranh thủ trồng, đến nay chỉ tiêu trồng rừng năm 2024 đã vượt kế hoạch đề ra. Thời gian tới, ngành chuyên môn tiếp tục hướng dẫn người dân chăm sóc tốt diện tích rừng hiện có để cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Hơn 3ha trồng cây giang để lấy lá của chị Bàn Thị Phượng Mai hứa hẹn mang lại thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hơn 3ha trồng cây giang để lấy lá của chị Bàn Thị Phượng Mai hứa hẹn mang lại thu nhập cao. Ảnh: Ngọc Tú. 

Một trong những yếu tố giúp chỉ tiêu trồng rừng năm nay của tỉnh Bắc Kạn đạt kết quả cao là do tỉnh hỗ trợ một phần ngân sách cho các hộ trồng cây phân tán. Theo đó, toàn tỉnh đã có hơn 500ha rừng trồng phân tán được hỗ trợ. Đến hết tháng 8 mới kết thúc khung thời vụ, nhưng những ngày này người dân tại Bắc Kạn vẫn tranh thủ trồng thêm, trồng tra dặm.

Hiện nay tỉnh Bắc Kạn chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và phát triển các loại cây lâm nghiệp chủ lực, có lợi thế của từng địa phương để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến.

Gia đình chị Bàn Thị Phượng Mai ở Tiểu khu 1, thị trấn Vân Tùng (huyện Ngân Sơn) có diện tích đất trồng rừng khá lớn. Chị Mai cho biết, gia đình đã trồng và có nguồn thu nhập khá từ các loại cây như thông, keo, mỡ, dẻ ván. Năm nay, sau khi tham khảo ở nhiều nơi, gia đình trồng thử nghiệm cây giang nhung lấy lá.

Theo chị Mai, cây giang nhung đã được trồng thành công ở một số tỉnh như Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang. Sau gần 5 tháng trồng, hơn 3ha cây giang của gia đình đã phát triển tốt, hứa hẹn cho thu hoạch trong những tháng tới.

Trên diện tích đất trước kia trồng cây keo, năm nay ông Nguyễn Đình Ánh ở tổ 12, phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Bắc Kạn) trồng 500 cây bồ kết. Theo ông Ánh, gần đây giá bán gỗ keo không ổn định nên chuyển sang trồng bồ kết.

“Trước khi trồng mình cũng tham khảo, đi tham quan học tập mô hình ở nơi khác, từ đó nhận thấy cây bồ kết mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng cây keo”, ông Ánh chia sẻ.

Kinh tế rừng mang lại thu nhập khá cho phần lớn người dân ở tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Kinh tế rừng mang lại thu nhập khá cho phần lớn người dân ở tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú. 

Để nâng cao chất lượng rừng trồng, ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo các chủ rừng chuyển đổi cơ cấu cây lâm nghiệp, trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao, cây đa mục đích, cây gỗ lớn phù hợp, thực hiện tỉa thưa rừng trồng để chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.