| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia: 'Sắm' chứng chỉ rừng vì lợi ích dài lâu

Thứ Hai 08/07/2024 , 09:00 (GMT+7)

BẮC GIANG Không dừng lại ở việc vận động, tuyên truyền của các cơ quan nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với chủ rừng để 'sắm' chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Những rừng keo được trồng theo phương pháp mới để đáp ứng các tiêu chuẩn của hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ảnh: Tùng Đinh.

Những rừng keo được trồng theo phương pháp mới để đáp ứng các tiêu chuẩn của hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ảnh: Tùng Đinh.

Bài liên quan

Hiện nay, phát triển rừng gỗ lớn, nâng cao chất lượng rừng, phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững là chủ trương của ngành nông nghiệp. Để đáp ứng những yêu cầu này, việc xây dựng vùng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững là tất yếu nhằm thích ứng với những thay đổi từ các thị trường nhập khẩu.

Có trụ sở tại Hà Nội nhưng vùng nguyên liệu của Công ty Cổ phần Smart Wood Việt Nam nằm ở nhiều tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, trong đó có huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Tại Lục Ngạn, vùng nguyên liệu của Công ty trải dài ở các xã Tân Mộc, Tân Lập, Kiên Thành, Đồng Cốc, Phú Nhuận, Hộ Đáp... với diện tích 4.365ha rừng sản xuất gỗ keo và bạch đàn.

Đa mục tiêu

Bài liên quan

Ông Nguyễn Ba Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Smart Wood cho biết, Công ty bắt đầu thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững từ cuối năm 2022, xuất phát từ nhu cầu về nguồn cung gỗ ổn định, giảm chi phí, kiểm soát chất lượng, tuân thủ quy định pháp luật, phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Việc có nguồn nguyên liệu gần nhà máy sản xuất giúp giảm chi phí vận chuyển, lưu kho và các chi phí liên quan khác, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Việc xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững cũng giúp Công ty kiểm soát tốt, đảm bảo chất lượng gỗ, giúp sản phẩm cuối cùng đạt tiêu chuẩn cao, có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng và các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nhân viên Công ty Cổ phần Smart Wood hướng dẫn bà con nông dân sử dụng máy móc đúng chuẩn theo quy định của hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhân viên Công ty Cổ phần Smart Wood hướng dẫn bà con nông dân sử dụng máy móc đúng chuẩn theo quy định của hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ảnh: Tùng Đinh.

Bài liên quan

Rừng có chứng chỉ quản lý bền vững đồng thời sẽ tuân thủ quy định pháp luật và bảo vệ môi trường. Hiện nay, nhiều quốc gia có các quy định nghiêm ngặt về khai thác gỗ và bảo vệ rừng. 

Mục tiêu phát triển bền vững cũng được Smart Wood đưa ra trong chiến lược phát triển. Theo đó, đầu tư vào vùng nguyên liệu gỗ là một phần của chiến lược phát triển bền vững. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp doanh nghiệp góp phần vào bảo vệ môi trường, duy trì đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

Đang kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam, ông Nguyễn Ba Duy nhấn mạnh, đối với một doanh nghiệp, dù chiến lược phát triển là gì đi nữa thì mục tiêu quan trọng nhất vẫn là đáp ứng nhu cầu của thị trường, đảm bảo được các đơn hàng.

Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng hiện nay ngày càng chú trọng đến các sản phẩm có nguồn gốc bền vững và minh bạch. Việc xây dựng vùng nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu này, tạo dựng niềm tin với khách hàng và nâng cao giá trị thương hiệu.

Thay đổi về kỹ thuật, quản lý

Theo ông Nguyễn Ba Duy, nhìn chung, việc trồng rừng theo các tiêu chuẩn bền vững đòi hỏi đầu tư nhiều hơn về mặt tài chính, kỹ thuật và quản lý, nhưng mang lại lợi ích lâu dài về môi trường, xã hội và kinh tế. Vì thế, đây là hướng đi bền vững và hiệu quả hơn so với các phương pháp canh tác truyền thống.

Trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phương pháp canh tác truyền thống thường tập trung vào tối đa hóa sản lượng gỗ trong thời gian ngắn, có thể không chú trọng đủ đến bảo vệ môi trường, dẫn đến suy thoái đất, cạn kiệt nguồn nước và giảm đa dạng sinh học.

"Phương pháp trồng rừng bền vững chú trọng đến việc bảo vệ đất, nước và đa dạng sinh học. Các kỹ thuật này bao gồm việc duy trì thảm thực vật, bảo vệ nguồn nước và tránh xói mòn đất", ông Duy chia sẻ thêm.

Nếu trước đây, canh tác truyền thống có thể ít tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, thiếu các hệ thống giám sát và báo cáo chi tiết. Trong khi đó, rừng được chứng nhận quản lý bền vững phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, xã hội và kinh tế. Điều này bao gồm đánh giá tác động môi trường, kế hoạch quản lý rừng và kiểm toán định kỳ để đảm bảo tuân thủ.

Với đa dạng sinh học, canh tác truyền thống có thể dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học do thiếu các biện pháp bảo vệ môi trường. Với phương pháp trồng rừng bền vững, sẽ chú trọng tới bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học, bao gồm bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm, duy trì các khu vực sinh thái nhạy cảm và sử dụng các phương pháp trồng xen kẽ để duy trì sự cân bằng sinh thái.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, không những trồng, chăm sóc mà khai thác cũng có những thay đổi về kỹ thuật. Ảnh: Tùng Đinh.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, không những trồng, chăm sóc mà khai thác cũng có những thay đổi về kỹ thuật. Ảnh: Tùng Đinh.

Về sử dụng thuốc BVTV và quản lý sâu bệnh, trước đây chủ rừng vẫn còn sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, dẫn đến ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và động vật.

Trong khi hiện nay, quản lý rừng bền vững thường hạn chế sử dụng hóa chất và khuyến khích các phương pháp kiểm soát sinh học tự nhiên để quản lý sâu bệnh. Các tiêu chuẩn chứng chỉ rừng bền vững yêu cầu giảm thiểu tác động của hóa chất đối với môi trường và sức khỏe con người.

Canh tác truyền thống thường thiếu các kế hoạch dài hạn, dẫn đến khai thác quá mức và không có biện pháp tái tạo hiệu quả. Ngược lại, rừng được quản lý bền vững có các kế hoạch dài hạn, bao gồm kế hoạch khai thác hợp lý, tái trồng rừng và phục hồi các khu vực đã khai thác. Các kế hoạch này nhằm đảm bảo tài nguyên rừng được duy trì và phát triển bền vững qua nhiều thế hệ.

Khác biệt cơ bản cuối cùng là canh tác truyền thống thường thiếu các hệ thống giám sát và đánh giá định kỳ, dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện và khắc phục các vấn đề môi trường và xã hội. Còn quản lý rừng bền vững yêu cầu giám sát và đánh giá liên tục các hoạt động rừng để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và điều chỉnh kịp thời nếu cần thiết. Các hoạt động này thường được thực hiện bởi các tổ chức chứng nhận độc lập.

Vì lợi ích lâu dài

Sinh năm 1995, anh Vũ Mạc Tuấn Ngọc (thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) hiện sở hữu hơn 10ha rừng được cấp cả 2 loại chứng chỉ quản lý rừng bền vững là FSC và VFCS/PEFC. Đây là thành quả của quá trình hợp giác giữa anh Ngọc và Smart Wood từ năm 2022.

Anh Vũ Mạc Tuấn Ngọc (phải) cùng cán bộ kiểm lâm huyện Lục Ngạn kiểm tra rừng keo đạt các loại chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ảnh: Tùng Đinh.

Anh Vũ Mạc Tuấn Ngọc (phải) cùng cán bộ kiểm lâm huyện Lục Ngạn kiểm tra rừng keo đạt các loại chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Ảnh: Tùng Đinh.

Chia sẻ về những khó khăn khi chuyển từ canh tác thông thường sang đáp ứng các loại chứng chỉ quản lý rừng bền vững, anh Ngọc cho biết: "Khó khăn đầu tiên với chủ rừng là tăng chi phí đầu tư để cải tiến cơ sở hạ tầng và các thiết bị, đảm bảo tiêu chuẩn của chứng chỉ. Chẳng hạn như phải có bảo hộ lao động, cưa xăng, thiết bị cắt cỏ, mở đường vận xuất khi khai thác phải đảm bảo môi trường, tránh ảnh hưởng đến hệ thực vật xung quanh, tránh xói mòn, sạt lở đất…".

Cũng theo anh Ngọc, khó khăn thứ hai là phải đáp ứng yêu cầu về giám sát và báo cáo, phía đơn vị đánh giá yêu cầu báo cáo chi tiết hơn nên có những khó khăn nhất định trong quá trình hoàn thiện thủ tục, giấy tờ.

Tuy nhiên, chủ rừng sinh năm 1995 này cũng xác định rằng, vượt qua được những khó khăn ban đầu đó sẽ là những lợi ích kinh tế lâu dài. Ví dụ như gia tăng giá trị sản phẩm, sản phẩm từ rừng được chứng nhận bền vững thường có giá cao hơn và được thị trường quốc tế ưa chuộng.

Thứ hai, có thể tiếp cận thị trường cao cấp, bởi khi có chứng chỉ bền vững sẽ giúp chủ rừng tiếp cận được các thị trường cao cấp - nơi có yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt, tăng cơ hội kinh doanh cho chủ rừng.

Chuyển đổi sang phương pháp quản lý bền vững với các biện pháp kỹ thuật mới sẽ giúp chủ rừng có các nguồn thu nhập ổn định và bền vững trong tương lai, đảm bảo an sinh kế cho gia đình và cải thiện điều kiện sống về lâu dài.

Chưa kể, quản lý rừng bền vững còn giúp bảo vệ tài nguyên rừng và duy trì sức sống của các hệ sinh thái rừng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho chủ rừng mà còn bảo vệ môi trường tự nhiên và giữ gìn nguồn tài nguyên cho các thế hệ tương lai.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.