Hồ thủy điện Tuyên Quang xả lũ. Khẩn trương trồng cây vụ đông trên diện tích lúa chết do ngập úng. Nón lá làng Chuông xuất ngoại. Mỳ Quảng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thực hiện quy trình liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở một cửa xả đáy vào hồi 12h trưa nay. Sau khi mở cửa xả đáy, công ty Thủy điện Tuyên Quang tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa. Kịp thời báo cáo về Bộ và các cơ quan liên quan theo quy định.
Bộ NN-PTNT cũng đã có công văn gửi đến UBND các tỉnh, thành phố hồ thủy điện Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội tổ chức thông báo ngay đến chính quyền, người dân, tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông, cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang, đò dọc,… biết thông tin về hoạt động xả lũ hồ thủy điện Tuyên Quang để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Khẩn trương trồng cây vụ đông trên diện tích lúa chết do ngập úng
Hùng Khang sản xuất.
Thống kê diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trên địa bàn thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, tính đến nay toàn thành phố có khoảng 172,1ha lúa bị mất trắng, tập trung ở các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai và Thạch Thất.
Ghi nhận tại huyện Quốc Oai và Chương Mỹ, do ngập sâu trong nước nhiều ngày nên cây lúa đã bị thối dễ, không còn khả năng sinh trưởng.
Do không còn trong thời vụ gieo cấy lúa tốt nhất nên những diện tích lúa hỏng người dân đã ngừng việc chăm sóc.
Để đảm bảo hoàn thành mùa vụ sản xuất năm 2024, Sở NN-PTNT thành phố đã chỉ đạo các địa phương có diện tích lúa hỏng nên chuẩn bị đất để trồng các loại rau màu và cây vụ đông sớm, như: Dưa chuột, cà chua, rau các loại.
Nón lá làng Chuông xuất ngoại
Thảo Phương sx
Nghề làm nón lá ở làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội) đã tồn tại hơn 300 năm. Nhưng hiện nay còn rất ít hộ dân trong làng giữ nghề, bởi làm nón truyền thống tốn rất nhiều công sức, giá bán lại thấp
Nhằm bảo tồn, gìn giữ nghề của cha ông, bên cạnh chiếc nón lá truyền thống, nghệ nhân Tạ Thu Hương, Giám đốc HTX Nón lá Thu Hương đã thử làm những chiếc nón chùm, nón xòe, nón làm từ lá sen, nón thêu phong cảnh Việt Nam vô cùng độc đáo. Từ làng Chuông, những chiếc nón lá thuần Việt đã theo du khách đi khắp nơi trên thế giới.
Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của nghệ nhân Tạ Thu Hương xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Quốc, Nga… khoảng 20.000 - 30.000 chiếc nón, với giá từ 200.000 – 300.000 VNĐ/chiếc, cao hơn gấp nhiều lần so với giá nội địa.
Mỳ Quảng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lê Khánh sx
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch vừa công bố quyết định công nhận tri thức dân gian mỳ Quảng của tỉnh Quảng Nam là di sản trong Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Nghề chế biến Mỳ Quảng ở tỉnh Quảng Nam hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng. Món ăn này theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam rộng mở, sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến, làm nên sự đa dạng, phong phú trong hương vị ẩm thực.
Đây là một món ăn có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian; món ăn hiếm hoi có thể “chiều” được tất cả các kiểu khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.