Chăn nuôi an toàn sinh học - Giải pháp cần thiết và cấp bách. Hà Tĩnh ước thu 600 tỷ đồng từ bưởi Phúc Trạch. Xói lở hơn 1km bờ biển tại Thanh Hóa. Tỉ lệ di dời cơ sở chăn nuôi tại Đồng Nai mới chỉ đạt hơn 50%.
Sáng nay, tại Hội nghị thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn bền vững, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN-PTNT cho biết, chăn nuôi lợn của Việt Nam được xác định là ngành chủ lực chiếm 62% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như dịch tả lợn châu Phi, bệnh lở mồm long móng đã gây thiệt hại lớn đến ngành chăn nuôi trong nước và thế giới. Đứng trước thực trạng trên, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học là hết sức cấp thiết cho ngành chăn nuôi nói chung và cho ngành chăn nuôi lợn nói riêng.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, đối mặt với “thách thức kép” trong bối cảnh dịch bệnh trên đàn vật nuôi và biến đổi khí hậu, các đơn vị trực thuộc Bộ phải nỗ lực tìm mọi giải pháp để đảm bảo thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi an toàn sinh học cho thấy, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi mà còn giúp nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, từ đó phòng chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, điều kiện để nhân rộng mô hình này đòi hỏi các trang trại chăn nuôi phải được xây dựng ở địa điểm phù hợp, đảm bảo cự ly an toàn với các khu vực xung quanh.
Hà Tĩnh ước thu 600 tỷ đồng từ bưởi Phúc Trạch
Thanh Nga sx
Năm nay, thời tiết không thuận lợi nhưng nhờ tích cực chăm sóc, chống hạn nên năng suất, sản lượng bưởi Phúc Trạch của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cơ bản ổn định. Toàn huyện ước thu gần 600 tỷ đồng từ cây trồng chủ lực này.
Theo báo cáo mới nhất của huyện Hương Khê, hiện tổng diện tích bưởi của địa phương đạt trên 2.700 ha, trong đó diện tích cho quả gần 2.000 ha, tập trung nhiều tại các xã Hương Trạch, Lộc Yên, Hương Thủy. Thời điểm này, người dân bắt đầu bước vào mùa thu hoạch, dự kiến sản lượng toàn vụ ước đạt gần 23.000 tấn.
Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây bưởi, huyện Hương Khê xây dựng vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 730 ha; đồng thời, tăng cường kết nối, tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ bưởi Phúc Trạch đúng với thương hiệu và chất lượng là trái cây đặc sản của Hà Tĩnh.
Xói lở hơn 1km bờ biển tại Thanh Hóa
Quốc Toản sx
Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024, do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn với tần suất cao, bờ biển xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị nước biển xâm thực, gây xói lở nghiêm trọng, đặc biệt là đoạn bờ biển từ Dự án du lịch của Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Biển Hải Tiến 126 đến kênh Phúc Ngư, có chiều dài hơn 1km. Nước biển xâm thực cuốn trôi khoảng 0,38 ha đất, điểm xâm thực sâu nhất khoảng 15m vào sát đường nội bộ của doanh nghiệp đã đầu tư. Nhiều điểm kè bị sóng biển đánh vỡ, gây sụt lún.
Để đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch, UBND huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo UBND xã Hoằng Trường theo dõi chặt chẽ; cắm biển cảnh báo; mở sổ theo dõi tình trạng xâm thực; Sẵn sàng ứng phó sự cố với phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời UBND huyện Hoằng Hóa đã bổ sung phương án gia cố trọng điểm các vị trí bị ảnh hưởng bởi tình trạng biển xâm thực trong năm 2024.
Tỉ lệ di dời cơ sở chăn nuôi tại Đồng Nai mới chỉ đạt hơn 50%
Lê Bình sx
Đến ngày 30/12/2024, hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ở Đồng Nai buộc phải ngưng chăn nuôi hoặc di dời sang nơi khác theo quy định. Điều này nhằm chấm dứt tình trạng các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường bấy lâu nay.
Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, đến tháng 7/2024 mới có 1.549 cơ sở chăn nuôi đã di dời, đạt tỉ lệ hơn 51%. Như vậy, còn tới gần 50% cơ sở sẽ phải tiến hành di dời trong những tháng còn lại của năm.
Ngành nông nghiệp Đồng Nai cũng đang tìm cách giải quyết lao động dôi dư trong quá trình di dời các cơ sở chăn nuôi thông qua những giải pháp như đào tạo nghề, định hướng để người lao động chuyển đổi sang những công việc, nghề nghiệp mới ngay tại địa bàn mà cơ sở chăn nuôi vừa phải rời đi.
Tin dự phòng
Mỳ Quảng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lê Khánh sx
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch vừa công bố quyết định công nhận tri thức dân gian mỳ Quảng của tỉnh Quảng Nam là di sản trong Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Nghề chế biến Mỳ Quảng ở tỉnh Quảng Nam hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng. Món ăn này theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam rộng mở, sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến, làm nên sự đa dạng, phong phú trong hương vị ẩm thực.
Đây là một món ăn có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian; món ăn hiếm hoi có thể “chiều” được tất cả các kiểu khách. Nghề chế biến mỳ Quảng được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định được giá trị văn hóa của tri thức dân gian. Qua đó, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực mì Quảng nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch và kinh tế địa phương.