Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu rau đạt 1 - 1,5 tỷ USD năm 2030. Thị phần nông sản Việt tại thị trường EU còn thấp. Xuất khẩu cá ngừ có sự phục hồi. Giá tiêu cao nhất 71.500 đồng/kg.
VIỆT NAM ĐẶT MỤC TIÊU XUẤT KHẨU RAU ĐẠT 1 - 1,5 TỶ USD NĂM 2030
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Đề án Phát triển các vùng sản xuấtrau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến xuất khẩu rau và thị trường tiêu thụ đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam dự kiến đạt 23 -24 triệu tấn rau vào năm 2030, trong đó rau phục vụ chế biến khoảng 1-1,3 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 1-1,5 tỷ USD.
Đề án nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng địa phương, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đồng thời, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, xuất khẩu rau.
Theo đó, các vùng rau sản xuất an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sẽ được phát triển, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rau trong nước và xuất khẩu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
THỊ PHẦN NÔNG SẢN VIỆT TẠI THỊ TRƯỜNG EU CÒN THẤP
Với 27 nước thành viên và dân số khoảng 516 triệu người, EU là thị trường tiêu thụ hàng nông sản lớn, không chỉ cho nhu cầu tiêu thụ ở các quốc gia thành viên, mà còn cho nhu cầu nguyên liệu đầu vào để chế biến và xuất khẩu ra thế giới. Theo cơ quan thống kê của EU, có 70 nước đang phát triển xuất khẩu nông sản vào EU. Trong đó Việt Nam xếp thứ 12 với 2,2% thị phần hàng nông sản của khối này. Con số này cho thấy giá trị nông sản của Việt Nam còn thấp so với tiềm năng xuất khẩu.
Nguyên nhân của hạn chế đó xuất phát từ khả năng đáp ứng của Việt Nam trước các yêu cầu của EU về kiểm dịch động thực vật, các quy tắc về truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình đóng gói, vận chuyển…
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ CÓ SỰ PHỤC HỒI
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến hết tháng 10 năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 7,4 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đều thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng đầu về giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vẫn là tôm đạt 2,8 tỷ USD. Tiếp đến là cá tra đạt 1,5 tỷ USD, đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu là cá ngừ với 693 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng về xuất khẩu cá ngừ, mức giảm 10 tháng đã được rút ngắn so với 9 tháng (từ 24% xuống 22%).
Top 5 thị trường đứng đầu nhập khẩu cá ngừ Việt Nam lần lượt là: Mỹ, Israel, Thái Lan, Nhật Bản, Canada và Đức. Trong top này thì xuất khẩu cá ngừ sang Israel, Thái Lan và Đức là có sự tăng trưởng tốt. Còn Mỹ, Nhật Bản và Canada đều giảm mạnh, đặt biệt thị trường đứng đầu nhập khẩu là Mỹ giảm 41% trong 9 tháng năm 2023.
GIÁ TIÊU CAO NHẤT 71.500 ĐỒNG/KG
Giá tiêu hôm nay (21/11) trong khoảng 68.500 - 71.500 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, tiêu được thu mua với mức 70.000 đồng/kg. Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu ở mức 69.000 đồng/kg. Trong khi đó tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu ở mức 71.500 đồng/kg.
Các đơn hàng cuối năm tăng và đồng đô la Mỹ giảm đang giúp hồ tiêu lấy lại đà tăng. So với các đây 1 năm, giá tiêu đang cao hơn 10.000 đồng/kg. Mức giá trên dù chưa đem lại lợi nhuận như kỳ vọng nhưng cũng đem đến cho người nông dân những hy vọng mới.
Hiện, nhiều vùng trồng tiêu đang đi theo hướng hữu cơ, sinh học, đạt các chứng nhận về sản xuất nông nghiệp tốt. Điều này chứng minh cây hồ tiêu đang phát triển bền vững.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, 15 ngày đầu tháng 11/2023, Việt Nam đã xuất khẩu 9.570 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 36,9 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu 1.378 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 4,7 triệu USD.