Xử lý dứt điểm các vụ lấn chiếm đê điều trước ngày 15/5. Du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn hệ động, thực vật rừng. Giá cá ngừ giảm từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Dự báo xuất khẩu cà phê niên vụ 2022 - 2023 giảm 1,5 triệu bao.
XỬ LÝ DỨT ĐIỂM CÁC VỤ lẤN CHIẾM ĐÊ ĐIỀU TRƯỚC NGÀY 15/5
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan vừa ký Chỉ thị số 1148 về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ, bão năm 2023, đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đê, tập trung hoàn thành công tác tu bổ, duy tu, bảo dưỡng đê điều và công trình đang thi công liên quan đến đê điều.Các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, nhất là tình trạng tập kết vật liệu quy mô lớn, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, đổ phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông gây cản trở thoát lũ…Đặc biệt, xử lý dứt điểm hành vi lấn chiếm mặt đê, mái đê, hành lang bảo vệ đê gây ảnh hưởng đến an toàn đê và khả năng thoát lũ trước ngày 15/5.
DU LỊCH SINH THÁI GẮN VỚI CỨU HỘ, BẢO TỒN HỆ ĐỘNG, THỰC VẬT RỪNG
Phát biểu tại Hội thảo “Du lịch sinh thái gắn với cứu hộ, bảo tồn tại Vườn quốc gia Cúc Phương” diễn ra sáng nay 3/3, ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, trong những năm gần đây, du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm tại các Khu bảo tồn thiên nhiên đang là xu thế của nhiều du khách. Và Vườn quốc gia Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam thực hiện nhiều sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường.Với chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch trong giai đoạn mới, Cúc Phương xác định lấy việc nâng cao nhận thức về thiên nhiên thông qua du lịch sinh thái là nền tảng, dựa trên thành quả của công tác bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và cứu hộ bảo tồn. Năm 2023, để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động du lịch sinh thái, đặc biệt du lịch sinh thái gắn trải nghiệm và cứu hộ, bảo tồn thiên nhiên, từ đó đưa Cúc Phương trở thành địa chỉ “xanh” để các thế hệ học sinh, sinh viên, nhà khoa học, du khách trong nước, quốc tế đến nghiên cứu, học tập và thưởng ngoạn thiên nhiên.
GIÁ CÁ NGỪ GIẢM TỪ 20.000 - 25.000 ĐỒNG/KG
Theo lãnh đạo Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng, TP. Nha Trang, chuyến biển vừa qua, các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng Hòn Rớ với sản lượng thấp, trung bình trên dưới 1 tấn cá/tàu. Cá ngừ được các doanh nghiệp thu mua ở mức từ 120-125 ngàn đồng/kg; giảm từ 20.000 - 25.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều ngư dân cũng thừa nhận, hiện nay, việc đánh bắt cá ngư đại dương khó đạt sản lượng cao như trước đây do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Trong khi đó, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương tại Khánh Hòa cho biết, từ những tháng cuối năm ngoái tới nay, việc xuất khẩu cá ngừ sang thị trường các nước rất ảm đạm. Doanh nghiệp nhận ít đơn đặt hàng, song vẫn duy trì sản xuất để giữ chân người lao động nên phải tiết giảm chi phí thu mua để ổn định hoạt động kinh doanh.
DỰ BÁO XUẤT KHẨU CÀ PHÊ NIÊN VỤ 2022-2023 GIẢM 1,5 TRIỆU BAO
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 323 nghìn tấn, trị giá 703 triệu USD, giảm 13,1% về lượng và giảm 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.Năm 2023, nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn khác như Brazil và Indonesia đang có dấu hiệu thu hẹp lại, giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần xuất khẩu, nhưng do nguồn cung thấp, tồn kho ít hơn mọi năm xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 được dự báo giảm 1,5 triệu bao, còn 24,5 triệu bao.