Xuất khẩu cá ngừ sang Israel có dấu hiệu không ổn định. Hà tĩnh: Hàng trăm hộ dân phải dùng nước bẩn. Đồng Nai có hơn 1.700 cơ sở di dời, ngưng chăn nuôi. Khánh Hòa nhân rộng 240ha nuôi biển công nghệ cao.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết Israel là thị trường xuất khẩu cá ngừ tiềm năng của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Israel năm 2024 tăng trưởng cao liên tục kể từ đầu năm. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông leo thang đang ảnh hưởng tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này. 3 tháng trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Israel bắt đầu có dấu hiệu không ổn định với sự sụt giảm 31% trong tháng 7. Tháng 8, giá trị xuất khẩu đã tăng trở lại nhưng mức tăng không cao, chỉ khoảng 20% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp thậm chí lo lắng sẽ phải ngừng đơn hàng xuất khẩu sang Israel trong những tháng cuối năm.
HÀ TĨNH: HÀNG TRĂM HỘ DÂN PHẢI DÙNG NƯỚC BẨN
Thực hiện: Thanh Nga, Phạm Huy
Nhà máy nước sạch xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được thiết kế cấp nước cho 500 hộ dân trên địa bàn, song qua 17 năm vận hành, không được duy tu bảo dưỡng, nhà máy này đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, do nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng lớn của người dân, buộc nhà máy phải nâng quy mô cấp nước lên 840 hộ dân. Việc cấp nước vượt công suất thiết kế trong thời gian dài khiến hệ thống lọc không thể xử lý nguồn nước đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ghi nhận, nguồn nước nhà máy nước sạch xã Kim Song Trường cấp cho người dân thường xuyên bị đóng cặn, vàng quạch, cáu bẩn, thậm chí còn lẫn cả bùn đất. Giám đốc Hợp tác xã môi trường nước sạch xã Kim Lộc - đơn vị quản lý, vận hành nhà máy cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân phải dùng nước không đảm bảo là do nước nguồn quá bẩn, nhà máy xuống cấp và cấp nước vượt công suất thiết kế.
Tin 3
ĐỒNG NAI CÓ HƠN 1.700 CƠ SỞ DI DỜI, NGƯNG CHĂN NUÔI
Thực hiện: Quỳnh Anh, Phạm Huy
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 9/2024, toàn tỉnh có hơn 1.700 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện di dời ra khỏi khu vực đông dân cư hoặc ngưng chăn nuôi, đạt tỷ lệ gần 58% so với lộ trình đề ra đến hết năm 2024. Một số huyện có tổng đàn chăn nuôi lớn như: Thống Nhất, Trảng Bom, Xuân Lộc… đã thực hiện tốt việc di dời cơ sở chăn nuôi hoặc tăng cường xử lý vi phạm về môi trường. Tính đến cuối tháng 9-2024, toàn tỉnh còn 2,08 triệu con heo, giảm 11,36% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi trọng điểm khu vực Đông Nam Bộ, hiện địa phương này đang nỗ lực chuyển đổi phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, đảm bảo về môi trường. Những trại chăn nuôi heo, gia cầm có quy mô lớn đều chú trọng đầu tư bài bản hệ thống xử lý nước thải, ứng dụng đệm lót sinh học, nguồn phân trong chăn nuôi được xử lý thành phân chuồng sử dụng trong trồng trọt.
Tin 4
KHÁNH HÒA NHÂN RỘNG 240HA NUÔI BIỂN CÔNG NGHỆ CAO
Thực hiện: Quỳnh Anh, Phạm Huy
UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2029, tỉnh nhân rộng khoảng 240ha nuôi biển công nghệ cao, với tổng nguồn kinh phí hơn 545 tỷ đồng, để chuyển đổi lồng nuôi truyền thống sang lồng nuôi HDPE. Kế hoạch được ban hành sau khi tỉnh này tổ chức thành công mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại vùng biển hở thuộc TP Cam Ranh vào năm 2023. Cụ thể, sau 1 năm triển khai hỗ trợ 10 hộ thí điểm nuôi biển công nghệ cao bằng lồng HDPE, kết quả thu hoạch mang lại hiệu quả vượt trội so với lồng nuôi truyền thống. Trong đó, nhiều mô hình nuôi cá bớp có tỷ suất lợi nhuận bình quân đạt hơn 170%, mô hình nuôi tôm hùm đạt hơn 110%, còn mô hình nuôi cá mú đạt trên 130%.