Tháo gỡ khó khăn để phát triển giao thông tại ĐBSCL. Xuất khẩu rau quả liên tục ghi nhận kỷ lục mới. Tiền Giang: Sâu đầu đen phá hoại nhiều vườn dừa. Mủ cao su tăng giá, đạt mức cao nhất sau 4 năm.
THÁO GỠ KHÓ KHĂN ĐỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG TẠI ĐBSCL
Thực hiện: Văn Vũ, Phạm Huy
Sáng 16/10, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, khu vực ĐBSCL có nhiều tiềm năng, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song có những điểm nghẽn, hạn chế, đặc biệt là về hạ tầng giao thông. Những hạn chế về hạ tầng giao thông làm tăng chi phí logistics, chi phí đầu vào, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, không tạo ra không gian phát triển mới, hạn chế việc tái cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại khu vực này.
Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL cần phát triển nhanh và bền vững để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Vì vậy, trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đường giao thông trọng điểm tại Vùng ĐBSCL.
Tin 2
XUẤT KHẨU RAU QUẢ LIÊN TỤC GHI NHẬN KỶ LỤC MỚI
Thực hiện: Quỳnh Anh, Phạm Huy
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 8 năm nay, xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 844 triệu USD, là mức cao kỷ lục từng đạt được trong một tháng. Trong tháng 9 vừa qua, kỷ lục này đã bị phá vỡ khi kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 917 triệu USD, tăng gần 9% so với tháng trước đó và tăng 37% so với tháng 9/2023. Không những vậy, xuất khẩu rau quả cũng đã chính thức vượt qua kỷ lục về kim ngạch trong một năm. Cụ thể, với sự tăng trưởng mạnh trong từng tháng, tính chung 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 5,64 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt qua kỷ lục xuất khẩu đạt được trong cả năm 2023 là 5,6 tỷ USD. Xuất khẩu rau quả liên tiếp lập được những kỷ lục vừa nêu phần lớn nhờ sự đóng góp của việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp của các loại trái cây rau củ chủ lực như chuối, mít, xoài, dưa hấu, chanh, chanh leo, các loại hạt…
BẢNG CHỮ
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU RAU QUẢ THÁNG 9
Kim ngạch: 917 triệu USD
So với tháng 8/2024 : tăng gần 9%
So với tháng 9/2023: tăng 37%.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU RAU QUẢ 9 THÁNG NĂM 2024
Kim ngạch: 5,64 tỷ USD, tăng 34%
Tin 3
TIỀN GIANG: SÂU ĐẦU ĐEN PHÁ HOẠI NHIỀU VƯỜN DỪA
Quỳnh Anh kt
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang thông tin, đến ngày 15/10, kết quả điều tra diện tích dừa nhiễm mới sâu đầu đen của huyện Chợ Gạo là trên 245 ha với 620 hộ có vườn dừa bị nhiễm, tỷ lệ hại là 5 - 10%. Diện tích nhiễm nhẹ hơn 100 ha, diện tích nhiễm trung bình hơn 60 ha, diện tích nhiễm nặng có gần 80ha. Để khống chế sâu đầu đen, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh huyện, xã về tình hình dịch hại sâu đầu đen cùng các biện pháp phòng chống; tăng cường tập huấn, phát tờ rơi về quy trình phòng chống sâu đầu đen hại dừa. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp vận động người dân phun xịt những vườn dừa bị nhiễm nhẹ; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng, không có khả năng phục hồi.
Bảng
TÌNH HÌNH SÂU ĐẦU ĐEN PHÁ HOẠI VƯỜN DỪA
Nhiễm nhẹ: trên 100 ha
Trung bình: trên 60 ha
Nhiễm nặng: gần 80ha
Tin 4
MỦ CAO SU TĂNG GIÁ, ĐẠT MỨC CAO NHẤT SAU 4 NĂM
Quỳnh Anh kt
Hơn một tháng qua, giá thu mua mủ cao su tăng vụt khiến nhiều hộ nông dân trồng cao su ở Bình Phước phấn khởi. Hiện, tại các điểm thu mua lẻ, đại lý, công ty kinh doanh cao su đang thu mua với giá từ 470-490 đồng/độ mủ. Đây là giá mua cao nhất sau hơn 4 năm luôn ở mức thấp. Còn mủ cao su đông hiện có giá 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giá mủ liên tục tăng, nhưng theo nhiều hộ dân trồng cao su, sản lượng năm nay giảm khoảng 20% so với vụ mùa năm trước. Nguyên nhân sản lượng giảm là do ảnh từ thời tiết cực đoan, một số vườn cây ít đầu tư chăm sóc do giá thấp, giá cả mùa màng bấp bênh… Việc giá tăng trở lại sẽ giúp người trồng cao su có nguồn thu nhập ổn định, cũng như tái đầu tư cho cây trồng trong những năm tiếp theo.